PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM GIA CẦM

Thứ hai - 27/02/2017 03:49 701 0
Bệnh Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm các ở loài chim gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi (bao gồm cả người); ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6.
Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người (vi rút cúm A/H7N9). Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp. Lây trực tiếp do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm hoặc động vật mắc bệnh, động vật mang trùng vi rút cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua các chất bài tiết từ đường hô hấp hoặc qua phân, thức ăn và nước uống bị nhiễm vi rút cúm; Lây gián tiếp qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, phương tiện vận chuyển,... bị nhiễm phân, dịch tiết có chứa vi rút cúm của động vật mắc bệnh bài thải ra. Gia cầm mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 đến 03 ngày và có thể dài hơn tuỳ theo độc lực của vi rút. Gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày. Triệu chứng gia cầm mắc bệnh có biểu hiện gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ. Cúm gia cầm thể độc lực cao là bệnh truyền nhiễm nguy hiễm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vaccin cho động vật nuôi. Đối tượng tiêm phòng là các trang trại, cơ sở nuôi gia cầm tập trung (Gia cầm giống, gia cầm trứng thương phẩm, gia cầm nuôi thịt) với thời gian nuôi trên 45 ngày (trừ các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và được cơ quan chuyên ngành thú y tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính đối với bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao); Gà, vịt, ngan, chim cút và một số đối tượng gia cầm mẫn cảm khác nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định. Tổ chức tiêm phòng theo quy trình nuôi và định kỳ tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới, đàn gia cầm hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ hoặc căn cứ vào thông báo chủng vi rút lưu hành tại thực địa, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định đối tượng, phạm vi tiêm phòng và chủng loại vắc-xin sử dụng để phòng, chống bệnh Cúm gia cầm cho phù hợp. Liều lượng, đường tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc-xin. Để công tác phòng, chống bệnh Cúm gia cầm đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi – Thú y mong rằng các tổ chức, cá nhân khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm hoặc gia cầm nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay cho Nhân viên Thú y cấp xã, UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y gần nhất để được xử lý theo quy định, hạn chế lây lan dịch bệnh, thiệt hại kinh tế thấp nhất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thúy Hồng
Nguồn tin: tnmt.danang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây