Trách nhiệm của chủ cơ sở chăn nuôi động vật trên cạn trong công tác phòng chống, dịch bệnh

Thứ hai - 12/12/2016 21:12 1.913 0
Để bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần phải có kiến thức và nhanh chóng tiếp cận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi. Đồng thời nắm bắt những quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động chăn nuôi để không vi phạm pháp luật.
Hiện nay, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang từng bước phát triển về số lượng, chất lượng. Theo số liệu thống kê năm 2016, trên toàn tỉnh tổng đàn heo là 321.667 con, tăng 13,03% so với năm 2015; Tổng đàn gia cầm là 4.993.000 con, tăng 14% so với năm 2015; Tổng đàn trâu, bò là 45.963 con, tăng 11.89% so với cùng kỳ năm 2015. Có 276 trang trại (200 trang trại chăn nuôi heo và 76 trang trại chăn nuôi gia cầm) chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, sức cạnh tranh cao, tăng giá trị gia tăng. Để bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như tuyên truyền thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP…; giám sát chặt chẽ dịch bệnh động vật tại cơ sở; tiêm phòng; khử trùng tiêu độc; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm; xây dựng cơ sở an toàn dịch;…tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ổn định, đã tạo sự yên tâm cho người chăn nuôi, cũng như khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi hiệu quả nhất là chính người chăn nuôi, ngoài việc xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý đạt về môi trường thì người chăn nuôi cần phải có kiến thức và nhanh chóng tiếp cận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi. Đồng thời nắm bắt những quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động chăn nuôi để không vi phạm pháp luật. Theo Luật Thú y, chủ cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm trong hoạt động chăn nuôi của mình, đó là: Chủ cơ sở chăn nuôi phải xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; Theo dõi, ghi chép quá trình nuôi, phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật; Chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; Vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, môi trường chăn nuôi. Chủ cơ sở chăn nuôi chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ cơ sở chăn nuôi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm hoặc khi có kết quả kiểm tra xác định động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, phải báo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chính quyền địa phương phối hợp xử lý, không được giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y như cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc; tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc, tiêu thụ sản phẩm động vật giết mổ bắt buộc hoặc chữa bệnh cho động vật trong ổ dịch bệnh động vật, vùng có dịch …. và chủ cơ sở phải cung cấp thông tin chính xác về dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y. Trả chi phí khắc phục hậu quả vi phạm và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật của mình gây ra theo quy định của pháp luật. /uploads/news/2016_12/new-picture-50.png Cơ sở chăn nuôi gà tại xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đã thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch. Hiện nay, do diễn biến phức tạp của thời tiết và lượng gia súc, gia cầm tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao, Chi cục Chăn nuôi – Thú y khuyến cáo người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch cho đàn vật nuôi của mình. Khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh truyền phải báo ngay cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và chính quyền địa phương phối hợp xử lý, không để lây lan dịch bệnh, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển bền vững./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thúy Hồng
Nguồn tin: tnmt.danang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây