Kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ

Hiệu quả ở câu lạc bộ khuyến ngư Phú Thành

Thứ ba - 27/08/2013 23:12 962 0
Hoạt động gần chục năm nay, câu lạc bộ khuyến ngư Phú Thành ở xã Phú Riềng (Bù Gia Mập) đã mang lại những lợi ích thiết thực về mặt kinh tế cho thành viên. Câu lạc bộ (CLB) không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn là cầu nối đưa khoa học kỹ thuật đến với người dân tại địa bàn.
Hình thành từ năm 2006, câu lạc bộ khuyến ngư Phú Thành có 40 thành viên tham gia. Trên tinh thần tự nguyện, các thành viên đã đóng góp quỹ làm kinh phí hoạt động và đầu tư xoay vòng vốn cho các hộ thành viên nghèo, khó khăn vay để phát triển kinh tế. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các thành viên lên tới hàng chục ha, được nuôi ghép với nhiều loại cá khác nhau (cá trắm, chép, trôi, trê, rô phi, mè) kết hợp nuôi ếch, tôm trong ao. Tùy vào thuộc tính từng loài cá mà các hộ cho nuôi ghép để đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong CLB có 20 hộ thành viên thường xuyên nuôi với quy mô lớn, số còn lại nuôi nhỏ lẻ. Chủ nhiệm CLB khuyến ngư Phú Thành – ông Đặng Văn Cường chia sẻ: Trước đây ở khu nuôi cá là bưng trũng, người dân thường trồng lúa, nhưng vì hiệu quả quá thấp, thậm chí có mùa vụ mất trắng do ngập úng, thời tiết, sâu bệnh gây hại. Thấy tốn công sức, tiền của nên người dân đã chuyển đổi mục đích canh tác sang đào ao nuôi cá. Những ngày đầu tiếp cận với mô hình mới, các hộ đã gặp không ít thử thách, có lúc đã nghĩ đến việc giải thể CLB. Do đa số các hộ dân ở thời điểm đó trong diện nghèo, kinh tế bấp bênh nên tiền đầu tư không có, bên cạnh đó việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi rất khó khăn. Về kỹ thuật nuôi cá thì người dân lại ít biết đến. Vì vậy, ban chủ nhiệm CLB đã chung tay góp sức giúp các thành viên bằng cách phối hợp với các đơn vị chức năng để được hỗ trợ kỹ thuật nuôi và vay vốn. Với sự phối hợp tích cực của Trung tâm nuôi trồng thủy sản tỉnh, phòng khuyến nông khuyến ngư của huyện, ban chủ nhiệm CLB đã tổ chức cho thành viên đi tập huấn, học tập thực tế ở các tỉnh, thành bạn về phổ biến cho các thành viên học tập. Trong suốt thời gian qua, CLB duy trì sinh hoạt mỗi tháng một lần và được tăng cường tùy theo tình hình thực tế. Tại buổi sinh hoạt, các thành viên tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh kỹ thuật nuôi, cách phòng trừ các loại bệnh ở cá, cách thau ao, vệ sinh môi trường nước… Trong mỗi buổi sinh hoạt có sự tham gia tư vấn, phổ biến kỹ thuật của cán bộ trung tâm nuôi trồng thủy sản tỉnh, phòng khuyến nông khuyến ngư huyện. Hằng tháng theo định kỳ hoặc đột xuất, ban chủ nhiệm CLB đi khảo sát thực tế tại các hộ nuôi để có đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các thành viên. Nhờ kết hợp các yếu tố trên, các thành viên đã tiếp cận được khoa học kỹ thuật và ứng dụng vào thực tế có hiệu quả. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên qua nhiều năm, nhiều hộ thành viên đã mở rộng diện tích mặt nước và tăng lượng đàn cá nuôi, mang lại hiệu quả rõ rệt. Điển hình có hộ ông Nguyễn Văn An có 5 ao với tổng diện tích 1 ha nuôi cá trắm, chép, rô phi kết hợp nuôi ếch. Gia đình ông An quê ở miền Tây lên Bình Phước lập nghiệp từ năm 1975. Mới đầu nuôi với quy mô nhỏ, sau đó ông An dần mở rộng diện tích. Có thời điểm, ông nuôi thêm rắn và tôm càng xanh. Hiện nay, gia đình ông An thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ nuôi thủy sản. Theo ông An, nuôi cá chỉ cần chú ý đến phòng ngừa, theo dõi và phát hiện, trị các loại bệnh như: Vi trùng mỏ neo, đốm đen lưng, vằn đen… Ao nuôi phải có lối thoát nước để tiện cho việc thay nước. Khi vét cá bán thì kết hợp thau ao, phơi bùn, rắc vôi bột để vệ sinh, diệt vi trùng có hại, đồng thời rải phân chuồng để tạo màu cho ao, làm vậy cá sẽ mau lớn. Bắt đầu nuôi cá bột thì cho ăn cám viên thường xuyên, khi cá lớn thì giảm lượng cám và cho ăn tăng lượng rau, lá mì, lá chuối, cỏ… Ông An cho biết: Tham gia CLB tôi được học, được phổ biến và hướng dẫn, áp dụng các yếu tố kỹ thuật vào nuôi cá. Đặc biệt, tôi đã có sự chủ động trong việc phòng, trị các loại bệnh thông thường ở cá. Hiệu quả kinh tế được nâng lên rõ rệt so với khi chưa áp dụng kỹ thuật. Vì vậy, trước đây là diện nghèo, nay hộ ông An đã vươn lên xóa nghèo bền vững và là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều hộ dân. Được phổ biến kinh nghiệm, yếu tố kỹ thuật, sử dụng đồng vốn đúng mục đích nên các thành viên sau khi tham gia CLB đã biết tổ chức, quản lý, mở rộng diện tích, tăng đàn, thay đổi loại cá nuôi cho thích ứng với nhu cầu thị trường để tăng thu nhập. Mô hình CLB khuyến ngư Phú Thành thực sự mang lại lợi ích thiết thực, giúp các thành viên thêm gắn bó hơn. Tuy nhiên, khó khăn của các thành viên trong CLB là việc tiêu thụ sản phẩm. Bởi hiện nay, các hộ này vẫn chưa thể ký hợp đồng mà chỉ bỏ hàng cho các mối quen và thương lái tại các chợ ở vùng lân cận nên thường xuyên xảy ra tình trạng bị tư thương ép giá, khiến nhiều hộ không thể mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản./.

Tác giả bài viết: Hải Châu - Báo Bình Phước

Nguồn tin: Bình Phước online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,679
  • Tháng hiện tại99,081
  • Tổng lượt truy cập4,783,163
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây