Khuyến Nông định hướng nông dân sản xuất theo hướng bền vững

Chủ nhật - 24/11/2013 02:50 958 0
Theo Báo cáo Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đến tháng 11/2013, Trung tâm đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn theo hướng nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học, bền vững, thân thiện môi trường sinh thái và con người.
Điển hình là mô hình “Sản xuất rau hữu cơ sử dụng phân sinh học WEHG”, là sự hợp tác, gắn kết giữa 04 nhà: Nhà Nông-Nhà Khoa học-Nhà Quản lý-Nhà Doanh nghiệp. Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thế giới Thông minh tổ chức thực hiện mô hình sản xuất rau hữu cơ sử dụng phân sinh học WEHG, với diện tích 4.900 m2/10 hộ tham gia. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại diện tích rau trồng theo mô hình này đã được nhân rộng hơn con số ban đầu dự kiến, với khoảng trên 10.000 m2. Tham gia mô hình này, nông hộ không chỉ được Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ một phần về vật tư phân bón chăm sóc, còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình kỹ thuật sản xuất rau theo hướng sinh học. Hai nhà sơ chế, đóng gói rau sau thu hoạch tại 02 tổ sản xuất Đồng Xoài và Đồng Phú đã xây dựng xong, từ nguồn kinh phí hỗ trợ Nhà nước, Doanh nghiệp và đối ứng người dân. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư cho biết, Chi cục Trồng trọt – BVTV đã lấy mẫu rau ngẫu nhiên ở các nông hộ, gửi kết quả phân tích, nếu đạt yêu cầu thì 02 tổ sản xuất này sẽ được cơ quan chức năng cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn. Dự kiến Tổng đại lý Thuần Nông sẽ bao tiêu sản phẩm rau an toàn này cho nông dân, với giá cao hơn thương lái thu mua từ 500-1.000 đồng/kg rau theo giá thị trường thỏa thuận, với điều kiện người dân ký kết cung cấp rau sản xuất theo tiêu chuẩn 3 không (không phân hóa học, không chất kích thích tăng trưởng và không thuốc BVTV), rau qua sơ chế, đóng gói bao bì (doanh nghiệp cung cấp bao bì, hỗ trợ công bao gói sản phẩm). Ông Trần Văn Vĩnh, ngụ tại khu phố Xuân Đồng, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, một trong hai điểm được hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế rau sau thu hoạch, vườn rau nhà ông có diện tích khoảng 1.500 m2 sản xuất rau ăn lá các loại gồm: rau xà lách, mồng tơi, rau dền, rau đay, rau cải các loại. Ông cho biết, khi sản xuất rau hữu cơ theo quy trình sử dụng phân sinh học WEHG, kỹ thuật đơn giản, dễ làm, chi phí đầu tư thấp, chỉ nhỏ hơn hoặc bằng theo cách canh tác truyền thống, mà năng suất vẫn cao. Nếu tuân thủ đúng quy trình sản xuất của phân WEHG thì trung bình 5 ngày xịt phân 1 lần, rau mới đạt chất lượng, sâu bệnh không đáng kể. Vườn rau nhà ông, hiện được các thương lái thu mua tại vườn, mỗi vụ ông sản xuất được khoảng 3,7 tấn/1.500 m2 gồm rau ăn lá các loại, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 13 – 14 triệu đồng/vụ. Theo bà Vưu Thị Mai, ấp 3, Đồng Tiến, Đồng Phú, là điểm sơ chế rau sau thu hoạch thứ 2, với diện tích 6.000 m2 trồng các loại rau cải, bí đỏ, dưa leo, chùm ngay, mồng tơi,… thì sản xuất rau hữu cơ theo quy trình của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư hướng dẫn, an toàn với người nông dân, sức khỏe người lao động và người sử dụng rau, năng suất rau ổn định, bền vững, sản phẩm uy tín, bán được giá cao, thân thiện, bảo vệ môi trường, thu nhập vẫn cao. Trong năm 2013, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư ngoài sự hợp tác với Công ty phân sinh học WEHG, còn là cầu nối giữa nông dân với các chương trình hoạt động dự án khác mang tính chất nông nghiệp bền vững, đặc biệt là dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững ở tỉnh Bình Phước”. Đây là dự án có sự phối hợp thực hiện đồng thời giữa Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bình Phước (Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tham mưu thực hiện) với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam được triển khai tại 02 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp giai đoạn 2013-2015. Đây là dự án đầu tiên triển khai ở Bình Phước, được nông dân 02 huyện hưởng ứng tham gia nhiệt tình, vì đem lại quyền lợi về cho chính họ. Mục tiêu của dự án nhằm phát triển mô hìng qua việc tập huấn cho các nông hộ trồng tiêu ở 02 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, sản xuất tiêu theo các tiêu chuẩn của chứng nhận Rainforest Alliance (R.A) và kết nối với thị trường quốc tế thông qua công ty Nedspice. Khi tham gia dự án này, các nông hộ phải áp dụng 10 nguyên tắc trong tiêu chuẩn canh tác tiêu bền vững của R.A, gồm: hệ thống quản lý môi trường và xã hội; bảo tồn hệ sinh thái; bảo vệ động vật hoang dã; bảo tồn nguồn nước; đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt cho người lao động; an toàn sức khỏe nghề nghiệp; quan hệ cộng đồng; quản lý mùa vụ tổng hợp (sổ tay ghi chép cụ thể từng việc đã làm); bảo tồn và quản lý đất canh tác và quản lý rác thải tổng hợp. Đồng thời, các nông hộ phải tham gia sản xuất, sinh hoạt theo kiểu nhóm hộ trồng tiêu, Dự án không cấp chứng nhận cho riêng 1 nông hộ, mà chứng nhận cho 01 nhóm hộ. Nếu tổ chức dự án kiểm tra ngẫu nhiên, 1 nông hộ bất kỳ trong 01 nhóm hộ, canh tác tiêu không đạt 10 nguyên tắc tiêu trên thì cả nhóm hộ không đạt tiêu chuẩn để cấp giấy chứng nhận R.A. Vườn tiêu được cấp chứng nhận R.A này, sẽ được Công ty Nedspice thu mua với giá cao hơn giá sàn của thị trường để chế biến, xuất khẩu sang thị trường thế giới. Đây là sự tham gia cuối cùng của chuỗi liên kết 4 nhà, gắn kết cung và cầu giữa sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ. /uploads/news/2013_11/sam_4397_2.jpg Theo ông Phan Văn Đon, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ nông sản hiệu quả, bền vững là hướng đi của nông nghiệp hiện đại. Ngoài thực hiện mô hình và dự án trên, trong năm 2013, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư đã thực hiện nhiều mô hình trình diễn theo hướng bền vững khác từ nguồn kinh phí của tỉnh như Mô hình sản xuất rau cải xanh, cải ăn lá các loại an toàn theo hướng Vietgap, Mô hình sản xuất dưa leo an toàn theo hướng Vietgap, Mô hình nuôi heo an toàn sinh học.../.
Tác giả bài viết: Tuyết Nhung
Nguồn tin: binhphuoc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây