Bàn về các giải pháp phát triển cây điều
BBT
2016-12-27T21:14:43-05:00
2016-12-27T21:14:43-05:00
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-trong-nuoc/Ban-ve-cac-giai-phap-phat-trien-cay-dieu-1202.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Tại Hội nghị Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững năm 2016 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 12/5, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới ngành điều cần thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy mạnh thâm canh, tăng nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đề xuất các chính sách hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học... nhằm thực hiện tốt Quy hoạch phát triển điều bền vững với mục tiêu đến năm 2020 cả nước ổn định 300.000 ha với năng suất bình quân 1,5 tấn/ha, sản lượng 450.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện ngành điều đang phát triển khá vững chắc. Khối lượng, kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông được đẩy mạnh. Nông dân tích cực áp dụng quy trình thâm canh, tạo mô hình trồng điều tốt, cho năng suất và hiệu quả cao. Tuy nhiên, theo ông Hòa, thời gian tới, ngành điều cần đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất điều. Cụ thể, những vườn điều còn ít năm tuổi, sinh trưởng khỏe, nên tiến hành ghép cải tạo để tận dụng gốc thân sinh trưởng khỏe, nhanh cho thu hoạch. Những vườn điều ở xa, đã già, cây sinh trưởng kém có thể cân nhắc ghép cải tạo hoặc tiến hành tái canh theo phương thức cuốn chiếu để nông dân không bị hụt thu nhập. Đồng tình với các giải pháp trên, ông Trần Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) cho rằng, một trong những nhiệm vụ cấp bách và thiết thực nhất để nâng cao năng suất, chất lượng điều ở quy mô lớn trong thời gian ngắn chính là áp dụng kỹ thuật thâm canh điều tổng hợp, bao gồm: tỉa cành, tạo tán, bón phân và bảo vệ thực vật cho cây điều. Thực tế, các mô hình thâm canh điều tổng hợp đã áp dụng tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế từ 20 - 60%, nhận được sự tin tưởng của nông dân. Ông Khanh cũng đề nghị nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học công nghệ, đồng thời quan tâm đúng mức về chính sách, nhất là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân. Quy hoạch vùng trồng điều thuộc diện quản lý theo lâm nghiệp, vùng quảng canh, vùng thâm canh để có chính sách đầu tư thỏa đáng. Đề cập đến những thuận lợi và khó khăn về chế biến và xuất khẩu điều trong năm 2016 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho rằng, việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có thể nói là tín hiệu vui đối với ngành chế biến và xuất khẩu nhân điều Việt Nam hiện nay. Để tận dụng triệt để những cơ hội từ các Hiệp định mang lại, ngành điều trong nước cần phải có những giải pháp đột phá nhằm gia tăng chất lượng và sản lượng nguyên liệu điều thô trong nước để doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu được hưởng lợi đầy đủ các chính sách ưu đãi, đặc biệt về thuế xuất, thuế nhập khẩu (0%). Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành điều thực hiện các chương trình khuyến công, cải tiến công nghệ, thiết bị chế biến. Đồng thời quan tâm hỗ trợ nông dân trồng điều bằng cách hỗ trợ tín dụng, kỹ thuật. Khuyến khích hình thành những cánh đồng sản xuất điều mẫu lớn có sự hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân trồng điều, với sự hỗ trợ của ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015, diện tích điều cả nước là 291.959 ha, giảm 3.269 ha so với năm 2014. Bốn tháng năm 2016, khối lượng nhân điều xuất khẩu của cả nước đạt gần 91.000 tấn, kim ngạch đạt 688,6 triệu USD, tăng 7,1% về khối lượng và 14,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Điều Việt Nam xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; trong đó, Mỹ, châu Âu và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ lệ tương ứng là 30%, 25% và 15%./.
Tác giả bài viết: BBT
Nguồn tin: CTV. Công ty TNHH Nông lâm Bình Phước