Thoát nghèo nhờ chăn nuôi giỏi

Thứ tư - 18/05/2016 06:09 619 0
Tuổi đời mới vừa tròn 37 nhưng anh Nguyễn Trung Tiếp ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi đã có đến hơn 10 năm kinh nghiệm trong nuôi heo sinh sản. Nhờ vậy mà từ một gia đình nghèo khó, giờ đây anh Tiếp đã có “của ăn của để”, con cái được học hành đàng hoàng.
Anh Tiếp cho biết, anh khởi nghiệp nuôi heo từ năm 2005 với nguồn vốn ban đầu là 1 con heo nái (mống cái) của cha mẹ anh cho lúc mới lập gia đình ra ở riêng. Lúc bấy giờ nghề nghiệp chẳng có, hai vợ chồng xoay sở với vài sào ruộng lúa, lúc rỗi ai thuê gì làm nấy để có tiền chuẩn bị đón đứa con đầu lòng sắp chào đời. Thế nên cuộc sống cứ tiếp nối khó khăn. Nhiều đêm hai vợ chồng trăn trở và cuối cùng anh quyết định vay mượn vốn của anh em, họ hàng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi heo. Anh nghĩ: muốn nhân đàn heo ra thì phải có con giống tốt mới cho hiệu quả kinh tế cao. Vì thế anh đã tìm vào tận Bình Định để mua heo nái giống về nuôi. Trong chăn nuôi, điều mà anh Tiếp quan tâm nhất đó chính là con giống, kỹ thuật nuôi và công tác phòng dịch. Vì tâm niệm như thế nên anh Tiếp đã tự nghiên cứu học tập và đăng ký lớp học nghề chăn nuôi - thú y để nâng cao kiến thức của mình trong chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng, trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tại nhà. Nhờ vậy, đàn heo nhà anh Tiếp luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, số lượng xuất bán năm sau luôn cao hơn năm trước và con số thu nhập cũng tăng dần lên theo từng năm. /uploads/news/2016_05/new-picture-18_2.png Anh Tiếp đang chăm sóc đàn heo nái ngoại của gia đình Nhờ cần cù, chịu khó và ham học hỏi kỹ thuật từ sách, báo nên anh Tiếp đã thành công trong chăn nuôi heo nái. Từ đó hai vợ chồng tích lũy được số vốn kha khá. Đến năm 2009, vợ chồng anh Tiếp đã nhân giống đàn heo nái ngoại của gia đình 100% và đầu tư làm chuồng trại để nuôi bò vỗ béo. Thấy giống bò địa phương cho hiệu quả kinh tế không cao, anh Tiếp lại mua bò cái lai để từng bước lai tạo đàn bò của gia đình. Đến nay, anh có 12 con heo nái ngoại; 12 con bò lai, trong đó có 5 con bò cái lai sinh sản được chăn nuôi theo mô hình khép kín. Mỗi năm bình quân 1 con heo nái sinh sản từ 22 – 25 con heo con. Số heo con sinh ra đều được vợ chồng anh Tiếp nuôi thịt, mỗi năm xuất bán hơn 20 tấn heo thịt. Còn bò sinh sản nếu là bê con cái thì anh để lại nhân thêm đàn, còn nếu bê con đực sẽ được nuôi vỗ béo rồi bán thịt. Như thế mỗi năm thu nhập của gia đình anh Tiếp từ heo, bò cũng khoảng hơn 150 triệu đồng. Tuy đó chưa phải là nguồn thu nhập cao so với nhiều hộ nông dân khá giả ở địa phương anh Tiếp, nhưng đó chính là nguồn thu nhập từ hai bàn tay trắng và sự cần cù, phấn đấu của bản thân nên gia đình anh đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương. /uploads/news/2016_05/new-picture-19_2.png Chuồng trại chăn nuôi bò được anh Tiếp đầu tư xây dựng khang trang và thoáng mát. Anh Tiếp chia sẻ, vì xuất thân từ một gia đình thuần nông, đông anh em, cuộc sống quanh năm luôn khó khăn nên anh luôn chăm chỉ, siêng năng và cố gắng học hỏi nhiều hơn để chăn nuôi thật tốt, thu nhập mỗi năm mỗi tăng để có tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Chính vì thế mà hiện giờ anh Tiếp đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi cho sinh hoạt gia đình. Trao đổi với chúng tôi, anh Tiếp bộc bạch: Cái khó nhất của người chăn nuôi đó là đầu ra của sản phẩm rất bấp bênh mà giá cả thức ăn chăn nuôi theo công nghiệp lúc nào cũng cao. Nếu có vốn thì mua cám viên tại nhà máy hay đại lý phân phối cấp 1 giá cả phải chăng còn nếu không vốn, mua nợ tại các điểm bán lẻ đến khi xuất chuồng mới trả thì giá rất cao. Chưa kể có những năm giá heo hơi “tụt dốc’’ thì đành phải chấp nhận thua lỗ là chuyện thường. Điều quan trọng là cần phải có ý chí, nghị lực và lòng kiên trì để duy trì tốt đàn heo khỏi dịch bệnh, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi để đàn heo cho lượng thịt đạt chất lượng thì thương lái luôn tìm đến mua với giá cao hơn thị trường từ 2.000 – 3.000 đồng/kg heo hơi. Nhờ vậy mà trong những năm gần đây, ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi có không ít những trại chăn nuôi heo phải dẹp chuồng vì thua lỗ, thế nhưng trại heo nhà anh Tiếp vẫn “ăn nên làm ra” và hiện tại anh vẫn còn có dự định đầu tư kinh phí để mở rộng thêm chuồng trại và nhân giống đàn heo thêm trong tương lai gần. Với tính cần cù, ham học hỏi và quyết tâm chiến thắng cái nghèo nên anh Nguyễn Trung Tiếp đã gây dựng cơ ngơi của gia đình bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Anh là gương sáng về một nông dân trẻ đầy ý chí, nghị lực để nhiều thanh niên ở địa phương học tập, noi theo./.
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây