Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững

Thứ hai - 27/08/2018 03:12 345 0
Ngày 21-8, tại Hà Nội, ba Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Khoa học – Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp thông minh bền vững”.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 20 nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và người Việt ở nước ngoài, nhằm mục đích đánh giá lại nền nông nghiệp trong nước, cơ hội và thách thức khi ứng dụng công nghệ vào hội nhập. Tại hội thảo, các chuyên gia trao đổi nhiều nội dung về thực trạng, giải pháp và hiến kế giúp phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, làm sao để hội nhập với quốc tế, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thời đại công nghiệp 4.0. Nhiều ý kiến dẫn ra những thách thức đối với nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới nền nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nhiệp nông thôn), sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn đang ở những bước đi đầu tiên hướng tới ngành kinh doanh nông nghiệp dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại và kết nối chuỗi giá trị trong và ngoài nước. Để phát triển, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam cần xử lý nhiều nút thắt trong 20-25 năm tới. Trong đó, tập trung xử lý hạn chế tài nguyên, ít tăng giá trị gia tăng mới, thu nhập cho người sản xuất thấp, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo, quản lý tài nguyên chưa bền vững, hệ thống quản lý chưa theo kịp với thị trường năng động. Phải xác định, nền nông nghiệp Việt Nam trong thời đại số là nước đi sau, điều đó cũng có lợi cho Việt Nam khi nắm bắt được các công nghệ mới, lựa chọn áp dụng phù hợp cho đất nước. Ông Tuấn cho rằng, để thu hút được khoa học, công nghệ vào nông nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn. Điều này xuất phát từ việc Việt Nam bị sụt giảm về tăng trưởng năng xuất lao động. "Năng suất lao động Việt Nam thời kỳ 2000-2014 so với các nước khối Asean, cụ thể là Singapore chỉ bằng 1/20, năm 2014 thu hẹp lại bằng 1/14. Trình độ thấp của người lao động đã ảnh hưởng tới tiếp cận khoa học công nghệ", ông Tuấn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, theo quan điểm của ông Tuấn, Việt Nam có hạn chế trong việc ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của doanh nghiệp; mặc dù thị trường khoa học công nghệ đã hình thành nhưng quy mô vẫn nhỏ; Việt Nam đang thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp nông thôn. Trong khi đó, chuyên gia Hoàng Nguyễn (Đại học California, Hoa Kỳ) cho biết: Vai trò của khoa học công nghệ trong nông nghiệp là rất quan trọng, thiếu yếu tố này đồng nghĩa với việc rủi ro lớn cho cả nền nông nghiệp. Cây trồng vật nuôi không phải là hàng hóa bình thường mà là những thực thể sống. Ở quy mô lớn, mỗi thiếu sót về kỹ thuật có thể trả giá bằng hàng triệu đô-la. Xung quanh hội thảo này, các chuyên gia cũng cho rằng, nền nông nghiệp của Việt Nam hiện tại có năng lực nghiên cứu ứng dụng sinh chưa chưa tương xứng với tiềm năng của một nước nông nghiệp, thị trường khoa học công nghệ còn yếu, việc chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn gặp nhiều trở ngại. Với những cơ hội trong thời kỳ mới, song song với nó là những thách thức, các chuyên gia nêu quan điểm cần có một "đầu tàu" để thúc đẩy nền nông nghiêp đi lên. "Đầu tàu" có thể là một doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng không để cho các doanh nghiệp tự mày mò tìm hướng đi mà cần có hành lang tốt để lan tỏa, hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ mới. Vai trò của Chính phủ và doanh nghiệp Ông Hoàng Nguyễn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một thời cơ vàng để ngành nông nghiệp Việt Nam thay da đổi thịt. Chính phủ và doanh nghiệp cần tận dụng nguồn giống và quy trình công nghệ của các nước lớn chuyển về Việt Nam, trong quá trình này internet là "cây cầu" vô tận. Bên cạnh đó, cũng theo chuyên gia Hoàng Nguyễn, sẽ cần có thêm nhiều hội đồng hay cơ quan chuyên ngành để giải quyết các rủi ro cho những "cánh đồng lớn", như việc dự đoán và phản ứng nhanh trước diễn biến của thị trường nông sản, liên kết các viện, trường đại học để cung cấp nguồn chất xám. Trao đổi thêm về vấn đề ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp để phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết những thách thức của nông nghiệp Việt Nam vẫn rất nhiều, từ biến đổi khí hậu, hạn hán và lũ lụt xảy ra thường xuyên. Việt Nam vẫn là một nền sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chuỗi liên kết giá trị thấp. Cần xác định thời gian tới thông suốt hai giải pháp đó là áp dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại khâu sản xuất. Theo ông Doanh, để làm được việc này, ngoài nội lực trong nước cần có sự hỗ trợ từ quốc tế, đó là những nhà khoa học, những người Việt Nam có điều kiện học tập, nghiên cứu tại nước ngoài.
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Phước Long-Bù Gia Mập:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây