Chào mừng 30.4

Cơ giới hóa giúp nông dân tiếp cận 'nông nghiệp chính xác'

Thứ sáu - 26/08/2022 03:29 671 0
Agritechnica Asia Live 2022 - chuỗi sự kiện thể hiện 'sức sống' và tầm quan trọng của cơ giới hóa trong nông nghiệp. Mở ra cơ hội giao thương công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.
Cơ giới hóa giúp nâng cao giá trị nông sản
Sáng 25/8, tại TP Cần Thơ diễn ra lễ khai mạc sự kiện tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực cơ giới hóa “Agritechnica Asia Live 2022”, với chủ đề “Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững”. Sự kiện thu hút 4.000 nông dân và hàng trăm doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp tham dự.
Không gian sự kiện cơ giới hóa Châu Á “Agritechnica Asia Live 2022”.
Đây là cơ hội giao thương công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, cùng cơ hội trao đổi, chia sẻ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý và người nông dân. Đây là chuỗi sự kiện thể hiện “sức sống” và tầm quan trọng của cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đặc biệt sự kiện càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh vùng ĐBSCL đang khởi động chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, đã mở ra nhiều cách tiếp cận mới trong lĩnh vực cơ giới hóa.
Bà con nông dân đến tham quan khu trưng bày máy móc, thiết bị cơ giới hóa.
Chia sẻ tại lễ khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cơ giới hóa trong nông nghiệp trước hết phải là hình ảnh sống động, câu chuyện đáng khâm phục của những “kỹ sư chân đất”, những nông dân trên khắp dải đất hình chữ S. Với niềm đam mê tìm tòi kỹ thuật, mày mò các loại máy móc, thiết bị để quy trình canh tác trở nên tiện lợi, tối ưu hơn. Đặc biệt, cơ giới hóa góp phần giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, công lao động, nâng cao chất lượng và giá trị cho nông sản.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp trước hết
phải là hình ảnh sống động, câu chuyện đáng khâm phục của những “kỹ sư chân đất”.
Bộ trưởng điểm qua những mô hình canh tác thông minh, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa tại vùng trồng quýt hồng Lai Vung. Nông dân mạnh dạn ứng dụng hệ thống điều khiển tưới bằng điện thoại di động. Hay các cơ sở cơ khí nông nghiệp tại miền Tây Nam Bộ nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp và tùy chỉnh máy móc phù hợp để nâng cao năng suất và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Từ hình tượng truyền thống “cái cày đi liền với con trâu”, nhờ cơ giới hóa nông nghiệp đã xuất hiện những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy bón phân, máy gieo sạ trên ruộng lúa đồng bằng Việt Nam. Và cũng từ đây, nên nông nghiệp nước ta đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ cách thức, tập quán sản xuất đến tư duy tiếp cận thị trường của bà con nông dân đã có nhiều tiến bộ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa khẳng định, chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới đã được Chính phủ tiếp tục quan tâm, ban hành và xem xét nhiều chính sách hỗ trợ. Có thể kể đến như: Chính sách tín dụng, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; hay chính sách miễn thuế giá trị gia tăng đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng trong nông nghiệp… Bên cạnh đó, các hoạt động huấn luyện, đào tạo lao động sử dụng máy móc, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, cải tạo hạ tầng đồng ruộng, cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm cũng được quan tâm.
Thông qua sự kiện “Agritechnica Asia Live 2022” lần này, Bộ trưởng mong muốn đây sẽ là diễn đàn để ngành nông nghiệp cùng với các quốc gia châu Á có thêm cơ hội tiếp cận kỹ thuật, công nghệ một cách đồng bộ, hiện đại và phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của các địa phương.
Làm gì để nông dân dễ tiếp cận thành tựu cơ giới hóa?
Hiện nay, theo tiến trình phát triển công nghệ trong nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất, sản lượng, mà hướng dần đến “nông nghiệp chính xác”, để nắm bắt những cơ hội mới và có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản.
Với “nông nghiệp chính xác” trên cơ sở ứng dụng cơ giới hoá, có thể giúp nông dân giảm chi phí, giảm tác động môi trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tăng khả năng chống chịu, tăng khả năng tiếp cận của nông hộ nhỏ. Qua đó, tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm mới, tạo cơ hội việc làm tại nông thôn, nâng cao lợi ích của người tiêu dùng.
Với “nông nghiệp chính xác” ứng dụng cơ giới hoá, giúp nông dân
giảm chi phí, giảm tác động môi trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn cấp cao của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng cơ giới hóa của nước bạn. Thời gian qua, Thái Lan đã triển khai công nghệ “nông nghiệp chính xác” bằng cách ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ số làm công cụ kết nối nông dân từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Kết quả hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan đã tạo nền tảng cho việc phát triển nông nghiệp giữa hai quốc gia.
Ông Alongkorn Ponlaboot cho hay, hiện tại nông nghiệp của hai nước đang trên đà phát triển và áp dụng công nghệ 4.0 ngày càng cao. Đây sẽ là cơ hội để đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn nữa hướng đến giảm thiểu các tác động về mất an ninh lương thực, thiên tai.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn cấp cao của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan.
Đối với nông nghiệp Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, việc ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là giải pháp riêng rẽ hay gắn với một công đoạn riêng biệt nào. Bộ trưởng cho rằng, cơ giới hóa nông nghiệp có thể được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất và là cơ sở để tạo dựng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững. Chuỗi giá trị này cần có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Từ đó, vấn đề này đặt ra một loạt các câu hỏi về cách thức tổ chức chuỗi giá trị, vai trò của Nhà nước trong cung cấp thông tin, dịch vụ công và tạo hạ tầng cơ bản để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ.
Máy móc cơ giới hóa trưng bày tại sự kiện Agritechnica Asia Live 2022.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp trăn trở khi hiện nay, cơ hội và khả năng tiếp cận thành tựu cơ giới hóa của nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp là trở ngại không nhỏ. Vì vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mô hình hoạt động hiệu quả của các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, với giải pháp mang tính “kinh tế chia sẻ”, cung cấp dịch vụ cho thuê các loại máy móc nông nghiệp, là gợi ý đáng tham khảo. Qua đó, bà con nông dân hoặc nông hộ có quy mô đất đai nhỏ, có thể tham gia để tiết kiệm chi phí, dành nguồn lực tài chính cho các khâu sản xuất khác.
Bên cạnh đó, định hướng “tri thức hoá nông dân” cũng được Bộ trưởng nêu ra, có thể kết hợp với các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ. Nhất là các công nghệ thông minh, công nghệ chính xác và bảo vệ môi trường cho người sử dụng máy, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp.
Cũng trong ngày 25/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng các đại biểu và bà con nông dân đã đến tham quan các mô hình sản xuất và trình diễn máy móc trên đồng ruộng trên diện tích 22,5 ha tại Viện Lúa ĐBSCL.
Tại đây, 7 doanh nghiệp tham gia trình diễn các mô hình cơ giới hóa với các thiết bị tiên tiến như: Máy gặt đập liên hợp loại bồn chứa và vòi xả, dàn máy sạ cụm, máy xới ướt với dàn xới, máy sạ cụm, máy bay không người lái trong nông nghiệp drone… Ưu điểm nổi bật của các thiết bị này là giúp giảm giống, qua đó giảm lượng phân, thuốc BVTV, tiết giảm công lao động, hạn chế được sâu bệnh trên đồng… Từ đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo, giảm tác động môi trường và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Từ đó, thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa và nông nghiệp số để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam.

Nguồn tin: Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay3,526
  • Tháng hiện tại78,048
  • Tổng lượt truy cập4,641,191
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây