Chào mừng 30.4

Diễn đàn nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam

Thứ hai - 11/09/2023 04:19 89 0
Ngày 11/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tổ điều hành diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp Sở NN-PTNT Đắk Lắk và Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk tổ chức Diễn đàn trực tiếp kết hợp trực tuyến “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết đã tròn một năm sau sự kiện lô hàng sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. “Sầu riêng” đã thực sự trở thành “niềm vui chung” khi 7 tháng đầu năm 2023, “vua các loại trái cây” đang mang về cho đất nước hơn 1 tỉ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỉ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận, ngành hàng này đã rơi vào “cái bẫy” mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cảnh báo 1 năm trước, đó là: “Khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng tưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...”.
Thực tế, trong thời gian qua, việc tăng giá quá nóng mất kiểm soát là hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Ông Thạch tin rằng, với phương châm “Minh bạch - Trách nhiệm - Bền vững”, “sầu riêng” sẽ luôn mang đến “niềm vui chung” và tự hào viết tiếp câu chuyện: “Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt” như kỳ vọng của người đứng đầu ngành nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin, đến nay cả nước có hơn 112 ngàn ha sầu riêng, diện tích đã tăng nhanh trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm tăng gần 25% trong 5 năm gần đây, với tổng sản lượng hiện nay khoảng 900 ngàn tấn; trong đó tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên hơn 52 ngàn ha (khoảng 47%), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 33 ngàn ha (khoảng 30%), Vùng Đông Nam bộ 21 ngàn ha (khoảng 19%) và một số địa phương khác. Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23 ngàn ha, trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 ước tính trên 200 ngàn tấn.
Hai năm qua, giá sầu riêng đã tăng cao khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì việc phát sinh, đối mặt với những khó khăn, thách thức, rủi ro, thậm chí là tiêu cực do tăng trưởng nóng.
“Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần 'đi cùng nhau' trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng”, ông Dương kêu gọi.
Đại diện Sở NN-PTNT đề xuất diễn đàn thảo luận các vấn đề xoay quanh các nội dung như thống nhất quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu về xây dựng liên kết lâu dài, bền chặt, tạo niềm tin, cùng đồng hành; lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ. Xây dựng ngành hàng chất lượng, minh bạch, trách nhiệm; Tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực của thị trường, của đối tác…
Bên cạnh đó, ông Dương cho rằng cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm và mối quan hệ của các cấp, các ngành, của Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, hiện 34 tỉnh trên cả nước đã trồng sầu riêng, trong đó có 3 tỉnh trồng trên 10.000ha. Ngay cả một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La cũng thử nghiệm loại cây được xem là “vua của các loại quả”. Tính tổng, sản lượng cả nước ước khoảng 900.000 tấn. Đặc biệt, vụ thu hoạch sầu riêng được rải khá đều, từ Nam bộ lên Tây Nguyên, rồi Duyên hải miền Trung.
Về giá, những tháng đầu năm do là mùa nghịch, giá sầu riêng lên tới 150.000-200.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, là chính vụ, giá sầu riêng không biến động nhiều. Đây cũng là lúc sầu riêng Việt Nam trùng với mùa vụ của một số nước khu vực là Thái Lan, Malaysia.
“Sầu riêng tại Tây Nguyên gần như thu hoạch cuối cùng so với cả nước cũng như các quốc gia lân cận, nên giá luôn ở mức khá cao”, ông Côn nói. Sầu riêng được trồng tại 12/15 huyện của Đắk Lắk, với diện tích hơn 28.000ha, tăng hơn 6.000ha so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, diện tích trồng xen của địa phương khá lớn. Diện tích trồng thuần, đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng, chưa tới 10.000ha.
Một lý do nữa khiến ông Côn lo ngại, là Đắk Lắk mới kinh doanh khoảng một phần ba diện tích sầu riêng. Phó Giám đốc Sở ước tính, nếu toàn bộ diện tích đang phát triển hiện tại cho thu hoạch, sản lượng sầu riêng của tỉnh sẽ vượt 300.000 tấn, gấp rưỡi hiện nay.
Để sầu riêng Đắk Lắk phát triển bền vững, ông Côn nhắc lại về vấn đề trồng xen. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, đánh giá việc trồng xen sầu riêng với cây trồng khác, tạo cơ sở đàm phán với Trung Quốc để chấp thuận hình thức canh tác này. Bằng không, sẽ rất gay go cho sầu riêng trồng xen”.
Hình ảnh diễn đàn tại đầu cầu thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiến nghị Bộ NN-PTNT ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai việc cấp, quản lý mã vùng trồng thay vì chỉ dựa vào tài liệu kỹ thuật như hiện nay; Tích hợp, đồng bộ dữ liệu cấp mã vùng trồng từ Trung ương đến địa phương trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này. Trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.
Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ NN-PTNT thoái thác trách nhiệm vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Nông nghiệp của chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Do đó, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.
Bộ trưởng cũng cho rằng, mã số vùng trồng mới dừng ở việc khuyến khích mà chưa bắt buộc, nên tiến tới đây sẽ là yêu cầu bắt buộc. Tất cả phải đi vào tiêu chuẩn, quy chuẩn, không còn tình trạng tự phát.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, thông qua diễn đàn sẽ tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Bởi lẽ, ngày nào chưa làm được điều này vẫn là tư duy thuận mua vừa bán chứ chưa phải tư duy hợp tác. Bên cạnh đó, phải nhận thức rõ phát triển bền vững ở đây không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia vào chuỗi ngành hàng sầu riêng bền vững.

Nguồn tin: Theo mard.gov.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Dịch vụ công trực tuyến
Cổng dịch vu công QG
1022
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm98
  • Hôm nay8,177
  • Tháng hiện tại99,527
  • Tổng lượt truy cập4,662,670
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây