Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Công tác phòng chống thiên tai 2021

Thứ sáu - 04/06/2021 05:16 300 0
Ngày 04/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về Công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2021.
Hội nghị diễn ra nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2020, kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Hội nghị cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác PCTT năm 2021, trong đó cần triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, từ phòng ngừa đến ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất theo tinh thần, nội dung Chỉ thị 42/CT-TW và Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ, về công tác phòng chống thiên tai, góp phần thực hiện thắng lợi phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19, xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai. /uploads/news/2021_06/a.thanh.jpg Phó Thủ tướng Lê Văn Thành Chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT năm 2021 Thiên tai làm thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn biến hết sức phức tạp, dị thường, với tổng số gần 500 đợt quy mô quốc gia và khu vực; số lượng bão hoạt động trên Đại Tây Dương trong năm vượt mức kỷ lục với 30 cơn; mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Mặc dù các quốc gia đã rất nỗ lực phòng, chống, song thiên tai đã làm 8.200 người chết, mất tích; tổng thiệt về kinh tế trên 210 tỷ USD. Ở trong nước, năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Cụ thể, trong năm 2020, cả nước đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long… Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Tổng thiệt hại là gần 40.000 tỷ đồng. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của Nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực. Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước đã xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, dông lốc, 11 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 02 trận lũ ống, lũ quét và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến hết tháng 5/2021, thiên tai đã làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 nhà bị sập đổ, hư hỏng; gây thiệt hại trên 32.000 ha lúa, hoa màu; 6.583m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại về kinh tế khoảng 119 tỷ đồng. Tham luận tại Hội nghị và một số điểm cầu, các đại biểu cho rằng, để chủ động giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, cần tăng cường sự chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCTT&TKCN của các cấp; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ cấp bách và lâu dài về lập bản đồ phân vùng, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét tỷ lệ lớn; tổng rà soát, xây dựng phương án đảm bảo an toàn lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi; tăng cường năng lực dự báo khí tượng thuỷ văn, dự báo, cảnh báo sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để có giải pháp đảm bảo an toàn lâu dài cho các khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng và các cơ sở sản xuất kinh doanh; Đồng thời, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, tàu thuyền, phương tiện vận tải trước thiên tai; phương pháp vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn hạ du; Công tác dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm trong phòng, chống thiên tai; vấn đề khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai… Theo ông Trần Quang Hoài, mặc dù thiên tai năm qua diễn ra hết sức nghiêm trọng cùng với diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp, song với sự chủ động của các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng. Chủ động ứng phó thiên tai phức tạp, khó lường năm 2021 Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các sông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Yên Bái, Ninh Bình, từ Quảng Bình đến Bình Thuận ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; lũ đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1-BĐ2; lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị. /uploads/news/2021_06/tc.jpg Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ghi nhận nỗ lực của các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế đó là: Thiệt hại về người vẫn còn lớn; tình trạng chia cắt, cô lập khi có tình huống thiên tai chưa được khắc phục; năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, hệ thống công trình PCTT chưa đáp ứng được trước sự tàn phá của bão lũ... Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2021 và những năm tới đây, tình hình thiên tai được dự báo vẫn sẽ rất phức tạp, khó lường; đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực; chủ động phòng ngừa, sẵn sàng vào cuộc từ sớm; sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; lên phương án ứng phó, di dời dân khi có tình huống khẩn cấp, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 ở từng địa phương; Phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và Nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các địa phương cần phải kiện toàn Ban chỉ đạo PCTT gắn với người đứng đầu. Bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCTT tại địa phương. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình PCTT, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập. Sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ; đồng thời tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây