Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần '3 tại chỗ': Thông tin tại chỗ, hoạt động tại chỗ, tư duy tại chỗ

Thứ ba - 17/08/2021 23:26 806 0
Chiều 17/8, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT (NN&PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản trong thời điểm khó khăn hiện tại..
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần '3 tại chỗ': Thông tin tại chỗ, hoạt động tại chỗ, tư duy tại chỗ
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ngay lập tức yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở NN-PTNT các tỉnh tập trung thảo luận về những khó khăn và giải pháp để đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách. Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị nêu rõ các vấn đề liên quan đến thu hoạch, vận chuyển, tình hình thương lái, hoạt động của các lò sấy, nhà máy trong bối cảnh ĐBSCL đang gấp rút thu hoạch vụ Hè Thu và gieo sạ vụ Thu Đông.
Theo Bộ Công thương, giá lúa tươi tại ĐBSCL những ngày này có tăng, nhưng vẫn ở mức thấp. Các giống IR50404, OM9582 và OM6976 tăng 100 đồng/kg, nếp Long An tăng 100 đồng/kg, nếp 3,5 tháng giảm 50 đồng kg; các giống lúa khác ổn định là Đài Thơm 8, Nàng Hoa, lúa Nhật và giống OM5451 tăng 200 - 300 đồng/kg.
Hiện diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch là 690 nghìn ha đang ở giai đoạn đòng trổ và chín. Các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ước cả vụ đạt 1,510 triệu ha, năng suất 56,7 tạ/ha, sản lượng 8,6 triệu tấn. Lúa Thu Đông đã gieo sạ được 400 nghìn trong tổng số 700 nghìn ha kế hoạch đề ra, đạt 57%.
Hoạt động sản xuất thủy sản ở 13 tỉnh ĐBSCL cơ bản vẫn đang duy trì, tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản vẫn ổn định. Toàn vùng chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản với 13 tỉnh ĐBSCL
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản với 13 tỉnh ĐBSCL
Trên quan điểm thị trường vận động không ngừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận xét, điều tiết giá cả là một vấn đề phức tạp. Ông cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị không nên lấy câu chuyện về một sản phẩm, một địa phương riêng rẽ để khái quát cho cả một vùng sản xuất nông nghiệp bởi "có thể gây hiệu ứng ngược" và "không nhìn được bức tranh tổng thể".
Lý giải chuyện này, Bộ trưởng Hoan cho rằng, vấn đề nằm ở tính thông suốt thông tin. Từ góc nhìn của ngành nông nghiệp, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ được tổng hợp, phân rõ ra từ ngành cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thú y, chế biến...
Trong khi các tỉnh khó có điều kiện nắm bắt thông tin về đường lối, chủ trương của cả vùng. Một nguyên nhân nữa, là các địa phương giờ tập trung cho ưu tiên số một là phòng, chống Covid-19. 
"Dịch bệnh đặt ra nhiều thách thức, nhưng cũng gợi mở những hướng đi, cách làm mới. Làm thế nào để doanh nghiệp không cần tới thực địa vẫn có thể kết nối được với địa phương, với hợp tác xã (HTX)? Không phải chờ tới dịch, chúng ta mới đề ra những phương án như "3 tại chỗ", mà cần phải 3 tại chỗ ngay bây giờ: Thông tin tại chỗ, hoạt động tại chỗ, tư duy tại chỗ. Muốn làm được, hơn lúc nào hết, chúng ta cần thông tin thông suốt", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Dám nghĩ, dám làm
Theo Bộ trưởng, rất khó để tìm được một quy định phủ khắp và phù hợp với tất cả các tỉnh ĐBSCL. Do đó, bản thân mỗi địa phương cần phải "kể một câu chuyện", và "tự quảng cáo" cho nông sản trên địa bàn. Ông tin rằng nếu làm được như vậy, các tỉnh ĐBSCL sẽ tránh được vấn đề mù mờ về thông tin, dữ lệu cho người tiêu dùng, đồng thời tạo được niềm tin cho người mua.
Do đặc điểm địa lý, các tỉnh ĐBSCL có mối quan hệ khăng khít chặt chẽ. Một thương lái ở Cần Thơ thu mua lúa ở Đồng Tháp, Kiên Giang là chuyện bình thường. Dựa trên đặc tính ấy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở việc quản lý thương lái, coi họ như một đối tác của ngành nông nghiệp.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất của ngành nông nghiệp thời gian qua là giá phân bón. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, nguyên nhân chính là bởi chi phí đầu vào tăng cao. Về tình hình sản xuất và nhập khẩu, ông Trung khẳng định, các nhà máy phân bón đều minh bạch về giá cả và báo cáo đầy đủ với Cục. Ông Trung cho biết, một số loại hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc hiện gặp vấn đề về rệp sáp, ruồi đục quả. Ông đề nghị địa phương quản lý chặt từ quy trình chọn giống, sản xuất, nhằm tránh rơi vào nguy cơ bị dừng xuất khẩu.
Theo Phó Cục trưởng Cục trồng trọt Lê Thanh Tùng, giá nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản đang có xu hướng tăng lên. Trong đó, đáng ngại nhất hiện nay là thanh long, chuối đang khó tiêu thụ và xuất khẩu. Giá chanh cũng trên đà trượt giá. Giá lợn hơi đang ở quanh mức 55.000 đồng/kg, giá gia cầm các loại đã giảm 15 - 20% so với trước khi có dịch xảy ra.
Với tư cách thành viên Tổ công tác 970, ông Tùng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch thích ứng với dịch Covid-19 trong dài hạn, tương tự như cách ứng biến với biến đổi khí hậu. Một trong số đó, là các biện pháp giảm giá thành sản xuất lúa, giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới.
Đẩy nhanh thí điểm sàn kết nối nông sản
Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu, vào miền Nam đến nay đã được một tháng. Trong thời gian này, Tổ đã kết nối được 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm. Trong đó, rau củ 317 đầu mối; trái cây 302 đầu mối; thủy hải sản - chăn nuôi 423 đầu mối; lương thực 72 đầu mối; các mặt hàng khác 52 đầu mối.
Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: 365 hợp tác xã (chiếm 31,3%); 428 tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); 222 doanh nghiệp (19%); 97 cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), 8 ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%).
Trang web kết nông cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web.
Có 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng gồm 1.009 đơn vị đăng ký bán (77,6%), 206 đơn vị đăng ký mua (15,8%), 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước (3,6%) và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân (3%).
Việc đăng tin các đầu mối mua và bán hàng ngày trên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của nhiều người mua hàng nhỏ ở các chợ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận, người mua dễ dàng có được thông tin về sản phẩm cần mua, số điện thoại của người bán và có danh của nhiều đầu mối bán nên việc kinh doanh nhỏ của các tiểu thương tại thành phố thuận lợi hơn qua thông tin đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Tổ công tác đã ứng dụng mạng zalo và email vào việc gửi thông tin các đầu mối cung cấp đến các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của TP.HCM, hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị.
Mỗi ngày, Tổ công tác kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200 - 400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản (tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá rô phi), các loại rau gia vị, hàng rau củ quả (chủ yếu dưa leo, củ sắn, bầu, bí…).
Hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua Tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến chiều 17/8, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cảm ơn các thành viên trong Tổ, các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan tại phía Nam đã giúp đỡ Tổ hoàn thành nhiệm vụ. "Chúng ta đã hoạch định và thu được những thành tích khích lệ, chẳng hạn chủ động sử dụng máy gặt đập tại nhiều tỉnh để thu hoạch lúa hè thu", ông cho biết.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, từ đầu tháng 9/2021, các vùng xanh ở miền Nam sẽ được nhân rộng. Ông đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Sở NN&PTNT và các Sở liên quan nên duy trì liên lạc để thông suốt về quá trình vận chuyển. Ông mong muốn, địa phương sẽ tạo cơ chế cho doanh nghiệp, thương lái vào thu mua dứt điểm lúa hè thu.
Trăn trở còn lại với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, là giá tôm, cá tra thấp, nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm. Bên cạnh đó, vẫn còn 123 trong tổng số 449 cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam dừng sản xuất.
Trước mắt, Tổ công tác 970 sẽ thí điểm mô hình sàn kết nối nông sản ở các tỉnh phía Nam, đảm bảo cả về sản xuất lẫn tiêu thụ ngay trong tháng 9 tới. Chúng tôi mong, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phía Nam quan tâm và cử thành viên tham dự, tiến tới giảm giá thành, chi phí sản xuất cho bà con nông dân", Thứ trưởng bày tỏ./.

 
Nguồn tin: mard.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây