mừng lễ 2-9

Truy xuất nguồn gốc nông sản – “chìa khóa” bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp

Thứ năm - 02/12/2021 22:00 907 0
Truy xuất nguồn gốc xuất xứ đã và đang là yêu cầu bắt buộc khi chúng ta cung cấp hàng hóa ra những thị trường lớn, đòi hỏi những tiêu chuẩn khắt khe phù hợp với từng quốc gia nhập khẩu.
Nhắm giới thiệu cho các đoàn viên hai Bộ NN và PTNT, Bộ Khoa học và công nghệ, cũng như các đoàn viên thanh niên trong cả nước về vai trò, cách thức thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, đầu tháng 11/2021, Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc–Nâng tầm nông sản Việt”. Hội thảo diễn ra với hình thức trực tuyến và kết nối với các tỉnh thành trên cả nước để cho thanh niên có cơ hội trao đổi, tiếp cận những quy định mới trong việc truy xuất nguồn gốc (TXNG). Buổi Hội thảo với sự tham gia của một số chuyên gia trong lĩnh vực như ông Nguyễn Quang Hiếu – Chuyên gia Cục Bảo vệ thực vật; ông Nguyễn Vũ Trung – Chuyên gia Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT); bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Minh – Chuyên gia Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN).
               Hình ảnh tại điểm cầu Hà Nội
Theo chia sẻ của các chuyên gia, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì “Truy xuất nguồn gốc” được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo. Đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam. Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc TXNG sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Để đón đầu xu hướng này, ngày 19/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì triển khai. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ. Các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo các nguyên tắc bền vững, trách nhiệm và minh bạch, thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu Nông sản Việt.
Tại buổi Hội thảo trực tuyến ông Tạ Hồng Sơn – Bí thư Đoàn Bộ NN&PTNT cho biết, chất lượng, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Cơ quan quản lý nhà nước đã thiết lập và không ngừng hoàn thiện quy định pháp lý về chất lượng An toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi sản xuất kinh doanh từ khâu sản xuất ban đầu cho tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực tế vẫn tồn tại tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, ATTP. Trong nỗ lực minh bạch hóa thị trường, nâng cao uy tín, trách nhiệm cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, hoạt động TXNG luôn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hiểu một cách khái quát, TXNG là chỉ ra chính xác một đơn vị sản phẩm thuộc về lô sản phẩm nào, sản xuất ở đâu, sử dụng chất gì trong quá trình sản xuất, đồng thời cung cấp thông tin làm rõ trách nhiệm các bên liên quan tới việc sản xuất, đóng gói, phân phối,… lô sản phẩm từ đầu đến cuối chuỗi cung ứng. TXNG sản phẩm giúp cải thiện khả năng cạnh tranh và cung cấp sự đảm bảo cho khách hàng. TXNG giúp người tiêu dùng và đối tác thương mại có thể biết thông tin về sản phẩm từ khâu sản xuất tới lưu thông trên thị trường. Điều này tạo thêm sự tin tưởng của khách hàng đối với nhà sản xuất.
Đối với các thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU)… cũng đều đưa ra các quy định bắt buộc về việc thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp của nước xuất khẩu tiêu biểu như: Quy định 178/2002/E của Liên minh Châu Âu (EU), Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA) của Hoa Kỳ, Quy định của Trung Quốc về kiểm dịch thực vật, ATTP đối với mặt hàng nông sản nhập khẩu… Thực tế cho thấy, việc xây dựng hệ thống quy định này của các nước có xu hướng tăng với nội dung ngày càng chặt chẽ hơn.
Trong bối cảnh đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp và hội nhập với xu thế toàn cầu hóa, Chính phủ đã xây dựng và ban hành hệ thống khung pháp lý trong đó có quy định các yêu cầu liên quan đến truy xuất nguồn gốc: Luật ATTP số 55/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2011, Nghị định số: 15/2018/NĐ-CP quy định một số điều chi tiết của Luật ATTP có hiệu lực thi hành từ ngày 02/02/2018 và chỉ đạo các Bộ ngành xây dựng các thông tư hướng dẫn có liên quan thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ hoạt động truy xuất nguồn gốc như: hệ thống mã số mã vạch theo tiêu chuẩn GS1, Mã QR (QR code), xác thực nguồn gốc…Điển hình như Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG.

Với Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 sẽ hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đại hội XIII của Đảng. Đó là, nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp dựa trên động lực “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”. Hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chiến lược xoay quanh ba trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “Nông thôn hiện đại”, “Nông dân thông minh”. Các chiến lược này triển khai trong thời gian tới thì việc thực hiện TXNG là xu thế tất yếu, trở thành vấn đề cấp thiết và là yêu cầu bắt buộc trong xuất, nhập khẩu, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá nông sản.
Thực tiễn cho thấy tại các địa phương, phong trào thanh niên khởi nghiệp từ ngành nông nghiệp được phát động sôi nổi và thực hiện có hiệu quả hay doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp cũng quan tâm nhiều hơn tới việc minh bạch nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Nhiều thanh niên đã biết lựa chọn hướng đi đúng, mạnh dạn đầu tư để xây dựng mô hình mới, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, rất nhiều đoàn viên thanh niên trên cả nước đã khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mong muốn được tiếp cận với quy định, chính sách trên đồng thời mong muốn có những diễn đàn để tìm hiểu, chia sẻ, kết nối thông tin liên quan hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp./.
Tác giả bài viết: Ngô Bích Thảo
Nguồn tin: mard.gov.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập44
  • Hôm nay12,825
  • Tháng hiện tại119,480
  • Tổng lượt truy cập5,896,902
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây