ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP ĐỂ QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG CÓ HIỆU QUẢ RỪNG PHÒNG HỘ

Thứ tư - 26/11/2014 03:04 12.100 0
Kể từ năm 1986, khi đất nước ta bắt đầu vào công cuộc đổi mới, nhiều chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp được đề ra nhằm chuyển biến phương thức quản lý sản xuất lâm nghiệp truyền thống thiên về khai thác, lợi dụng rừng bằng kế hoạch của nhà nước sang phương thức quản lý sản xuất lâm nghiệp xã hội có người dân tham gia; chia sẻ lợi ích trực tiếp từ rừng cho họ để quản lý sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng bền vững đáp ứng mục đích kinh tế và môi trường phù hợp với xu thế tiến bộ, hòa nhập thị trường thế giới.
Trên cả nước, nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp cộng đồng chứa đựng phương thức quản lý lâm nghiệp xã hội đã được triển khai đa dạng về hình thức, nội dung và được thực hiện có hiệu quả ở nhiều địa phương đã chứng minh phương thức quản lý mới, các chủ trương chính sách được nhà nước mới ban hành đã đi vào thực tiễn. Tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm, vận dụng nguyên tắc chưa linh hoạt, thiếu các mô hình để đúc rút kinh nghiệm. Bộ Nông nghiệp phát triển & Nông thôn đã đề ra chủ trương định hướng để chỉ đạo các tỉnh thực hiện.Trong nội dung Chương trình hành động ban hành kèm Quyết định số 3619/QĐ-BNN-KH thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ về “Tiếp tục thực hiện Nghị Quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO” có nêu: - Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp; tạo cơ hội cho khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia cung cấp dịch vụ công. - Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp, các hình thức hợp tác liên kết giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác. Do khác nhau về văn hóa, dân trí, điều kiện tự nhiên, tính thích ứng của mỗi cộng đồng... mỗi địa phương tỉnh xây dựng các mô hình áp dụng lâm nghiệp cộng đồng, lâm nghiệp xã hội cũng khác nhau; đặc biệt mô hình cụ thể của cơ chế thị trường về xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, người dân được chia sẻ lợi ích trực tiếp từ rừng theo nguyên tắc ổn định dân cư - bảo vệ rừng - phát triển rừng còn là điều mới mẻ trên thực tế. Ở tỉnh Bình Phước, những năm gần đây, với sự nỗ lực của các ngành các cấp chính quyền, chủ rừng và lực lượng kiểm lâm đã ngăn chặn hành vi vi phạm phá rừng một cách hiệu quả, số vụ vi phạm và diện tích rừng bị phá giảm theo từng năm. Cụ thể: Năm 2011 có 241 vụ vi phạm, diện tích rừng thiệt hại là 165 ha; năm 2012 có 82 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại là 35 ha; năm 2013 có 48 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại: 18 ha và năm 2014 (tính đến tháng 9/2014) xảy ra 05 vụ vi phạm, diện tích thiệt hại: 1,8 ha. Tuy nhiên, các vụ vi phạm về khai thác lâm sản: lấy trộm gỗ lớn, gỗ nhỏ làm nọc tiêu; các loại lâm sản phụ ngoài gỗ như: măng, lồ ô, song, mây, nấm, hạt ươi, lá nhíp...vẫn diễn ra nhỏ lẻ nhưng liên tục, làm rừng suy thoái, giảm chất lượng, thay đổi cấu trúc rừng dẫn đến nguy cơ cháy rừng... làm chức năng sử dụng theo mục đích dần dần mất đi. Rừng vẫn chưa có sự bảo vệ ổn định lâu dài làm tiền đề cho phát triển rừng, làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Khai thác trái phép lâm sản trong rừng chủ yếu là dân nghèo địa phương, dân tộc tại chỗ, dân di cư tự do vì sinh kế vào rừng lấy cắp lâm sản đem bán chi dùng cho nhu cầu sinh họat hàng ngày. Đối với đối tượng trên, việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn, trở ngại; với cách xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật không đạt được hiệu quả mong muốn là chấm dứt triệt để nạn phá rừng. Từ thực trạng nêu trên có thể thấy được những tồn tại, hạn chế của trong quá trình thực hiện trước đây: (1) Sự xâm canh lấn chiếm đất lâm nghiệp ở một số địa phương cấp xã, huyện và vùng đệm VQG có chiều hướng diễn ra phức tạp. Diện tích đất rừng sản xuất giảm, được thay thể bởi thực hiện các dự án chuyển đổi rừng trồng cây cao su có thị trường chưa ổn định; khuyến khích thu hút lao động địa phương kém dẫn đến phá vỡ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương; một bộ phận dân nghèo thiếu công ăn việc làm sống phụ thuộc vào rừng tự nhiên và trông chờ vào quỹ an sinh xã hội của tỉnh. (2) Sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Họ vẫn nghĩ nhà nước mướn họ bảo vệ rừng và tiền mướn không thỏa đáng. Cụ thể: cộng đồng dân cư khi tham gia quản lý, bảo vệ rừng, phần được hưởng khoán bảo vệ rừng từ nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng trên 200 ngàn đồng/ha/năm một hộ bình quân giữ 30 ha rừng có thu nhập xấp xỉ 6 triệu đồng/năm, khoảng 500 ngàn đồng /tháng chưa đủ để khuyến khích đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, trong khi nguồn vốn ngân sách của tỉnh không có để bù đắp thêm . (3) Sự phối hợp của cơ quan chuyên ngành, của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, của chủ rừng thiên về thực hiện các quy chế phối hợp tuần tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn, xử lý đối với cộng đồng dân cư thiếu khuyết cơ chế quản lý giám sát người dân thực hiện công tác bảo vệ rừng chính là bảo vệ lợi ích riêng chính đáng của mình để họ tự giác, tự chủ bảo vệ rừng, (4) Nhu cầu và sự phụ thuộc của cộng đồng dân cư sở tại và tài nguyên rừng là rất lớn, tài nguyên rừng thực sự không thể tách rời nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Trong khi đó các cấp quản lý Nhà nước, doanh nghiệp thiếu phương pháp tiếp cận của các bên thông qua các đề án, dự án giúp dân bảo vệ rừng chính là bảo vệ lợi ích kinh tế cụ thể và trực tiếp của chính mình. Vì vậy chưa thực sự gắn kết hài hòa giữa lợi ích kinh tế, môi trường với trách nhiệm của cộng đồng dân cư đối với quản lý, bảo vệ rừng. (5) Công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương chưa thực sự phát huy hết vai trò của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Điều đó đồng nghĩa với việc Cơ quan quản lý nhà nước chưa vận dụng đầy đủ và hiệu quả tinh thần xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng ở Luật Bảo vệ phát triển rừng và các văn bản pháp luật mới đã ban hành, cũng như các chủ trương chính sách của ngành và của tỉnh chuyển biếnsang phương thức quản lý lâm nghiệp xã hội, xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng. (6) Rừng tự nhiên còn lại đa phần là rừng phòng hộ trong lâm phần các Nông Lâm trường cao su thuộc các Công ty cao suNhà nước, quản lý sử dụng không làm ra lợi nhuận.Công ty phải đối diện với nguy cơ cháy rừng, chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng; kinh phí quản lý bảo vệ rừng lấy từ nguồn vốn sản xuất kinh doanh cao su, vốn ngân sách không có cơ chế để cấp phát, công ty cao suchỉ thu được bằng nguồn quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng chi trả lại cho các đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng; mặt khác lâm sản phụ ngoài gỗ về kinh tế có giá trị nhiều lần hơn gỗ chưa được khai thác hợp lý và có phương thức chia sẻ thỏa đáng cho người quản lý bảo vệ rừng. Từ những vấn đề nêu trên, để đạt được yêu cầu với mục đích giữ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có của tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ rừng cần được cải tiến trên cơ sở phương thức lâm nghiệp xã hộivới sự tham gia của người dân được hưởng lợi ích trực tiếp từ rừng. Thực hiện phương thức lâm nghiệp xã hộivới sự tham gia của người dân được hưởng lợi ích trực tiếp từ rừng sẽ là một trong những những giải pháp góp phần giải quyết những khó khăn, tồn tại mà cơ quan quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đang gặp phải, đó là mâu thuẩn giữa cuộc sống của người dân, nhất là Dồng bào dân tốc tại chỗ, với việc bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, sẽ góp phần phát huy vai trò tự chủcủa cộng đồng dân cư tại chỗ trong công tác quản lý bảo vệ rừng.Giúp người dân làm giàu từ tài nguyên rừng sẽ góp phần ổn định, cải thiện và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng sẵn có, thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương tăng trưởng; vận dụng linh hoạt, hài hoà từ mô hình quản lý rừng cộng đồng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn của địa phương trong công tác xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trong thời gian tới, cầnxây dựng và triển khai Đề án nghiên cứu quản lý bảo vệ rừng có sự tham gia của người dân tại địa phương gắn với việc chia xẻ lợi ích từ rừng cho mục đích an sinh xã hội. Trước mắt, cần thí điểm triển khai thực hiện trên địa bàn 01 xã, với việc chọn mô hình sản xuất đáp ứng các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương là khai thác bền vững cây Lồ ô; đồng thời, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực đầu tư phù hợp và có cơ chế giám sát, quản lý sử dụng rừng của các bên tham gia là chủ rừng, chính quyền địa phương xã, doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quản lý nguồn tài nguyên rừng. Trên cơ sở kết quả thực tiển tại xã, mô hình sẽ được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu quản lý mới trong việc khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng có sự chia xẻ lợi ích với người dân, nhất là Đồng bào dân tộc tại chổ, là 01 giải pháp không chỉ mang lại ý nghĩa về mặt lý luận khoa học mà còn có ý nghĩa sâu sắc về thực tiễn đang đặt ra; góp phần nâng cao đời sống của người dân sống gần rừng và bảo vệ bền vững tài nguyên rừng của tỉnh./.
Tác giả bài viết: Vũ Đình Trúc-Phó Chi cục Trưởng CC Kiểm Lâm
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Phước Long-Bù Gia Mập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập196
  • Hôm nay8,468
  • Tháng hiện tại102,253
  • Tổng lượt truy cập6,466,253
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây