Một số kinh nghiệm trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên núi Bà Rá đạt hiệu quả
Thái Thị Minh Thường
2014-10-24T00:45:11-04:00
2014-10-24T00:45:11-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/kiem-lam/tin-tuc-su-kien/Mot-so-kinh-nghiem-trong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-rung-tren-nui-Ba-Ra-dat-hieu-qua-144.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Với diện tích tự nhiên là 1056 ha, hệ sinh thái rừng trên núi Bà Rá với nhiều loại gỗ quí hiếm và nhiều loài động vật hoang dã sinh sống, mang tính đa dạng sinh học cao. Kết hợp công tác bảo vệ và phát triển rừng, thấy được tầm quan trọng của khu Di tích, tỉnh đã xây dựng và đi vào hoạt động dự án cáp treo Bà Rá và có nhiều dự án đang xây dựng để khu Di tích Bà Rá thực sự trở thành khu du lịch sinh thái, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Bình Phước.
Do đặc điểm núi Bà rá là một ngọn đồi độc lập, nằm sát trung tâm thị xã Phước Long xung quanh chân núi là nương rẫy trồng điều, chuối của người dân 3 xã phường xung quanh xâm canh từ những năm 1980 trở về trước. Mặt khác khu vực chân núi hiện nay đã xây dựng hệ thống đường vòng quanh với chiều dài 18 km đã trãi nhựa, đây là những điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhưng cũng gây không ít khó khăn, thách thức trong việc phòng chống cháy rừng hàng năm khi mùa khô đến. Các nguyên nhân có thể gây cháy rừng trên núi được xác định đến từ con người như: khi phát đốt, dọn nương rẫy, vào rừng hái lượm, săn bắt tổ ong; do du khách tham quan vô tình gây cháy do vứt tàn thuốc bừa bãi hoặc khách hành hương đốt nhang thờ cúng, do sinh hoạt thường ngày của các khu phục vụ du lịch, các sinh hoạt đốt lửa trại...Chính nguyên nhân chủ quan của con người mà có thể gây ra những sự việc nghiêm trọng do cháy rừng. Đặc biệt, trên núi Bà Rá là khu vực có địa hình phức tạp, dốc đứng nên khi xảy ra cháy, khả năng cháy lan rất nhanh trên diện rộng. Cần có biện pháp chữa cháy cụ thể, chuẩn bị tốt công tác hậu cần trong đó công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng lửa gần khu vực rừng là chính. Vì vậy công tác phòng chống cháy rừng trên núi Bà Rá là một trong những công tác trọng tâm của Hạt. Nhiều năm qua công tác phòng chống cháy khu vực núi Bà Rá đã được Hạt triển khai và thật sự đạt hiệu quả và không để xảy ra vụ cháy nào đáng kể. Bằng những kinh nghiệm rút ra trong nhiều năm qua và duy trì áp dụng trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng đặc thù khu vực núi Bà Rá. Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long – đơn vị hiện quản lý bảo vệ núi Bà Rá chia sẻ những kinh nghiệm đã được thực hiện trong công tác phòng chống cháy rừng như sau: Kinh nghiệm thứ nhất: Giảm vật liệu cháy, tăng cường nguồn nước chữa cháy. Hàng năm khi bắt đầu mùa khô, khoảng tháng 10 Hạt Kiểm lâm tiến hành xây dựng kế hoạch tổ chức phát dọn gom đốt sạch sẽ xung quanh chân núi dọc đường vành đai, để ngăn chặn người dân vô ý vứt tàn thuốc cháy lan vào rừng tự nhiên. Tu bổ, cải tạo các hồ dự trữ nước, phát dọn đường đến các hồ dự trữ nước để thuận tiện ra vào lấy nước khi cháy rừng xảy ra. Kinh nghiệm thứ hai: Nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống cháy rừng cho ngừơi dân địa phương. Hạt chủ động phối hợp chính quyền địa phương, họp dân tuyên truyền ở các cụm dân cư sống ven chân núi, phối hợp với Cha sứ vận động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt giáo dân về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Bên cạnh đó hàng năm phối hợp với Thị đoàn thị xã tổ chức hội thi “Thanh niên xung kích tuyên truyền BVR”.., tuyên truyền đến từng khu dân cư, thành lập, huấn luyện kỹ năng phòng chống cháy rừng cho những tổ phòng chống cháy tự nguyện để khi có cháy, đây là lực lượng hỗ trợ chống cháy có chuyên môn và kịp thời. Kinh nghiệm thứ ba: Triệt tiêu các tác nhân chủ yếu gây cháy rừng. Đặc biệt trong công tác phòng chống cháy núi thành công nhất ở khu vực rừng tự nhiên núi Bà rá là khi vào tháng gần cao điểm mùa khô, cấp dự báo cháy rừng đang ở cấp nguy hiểm, Hạt tổ chức thuê nhân công cùng lực lượng kiểm lâm thường xuyên đi kiểm tra các khu vực trọng điểm như: những trảng Da đá thường hay có nguy cơ xâm hại, những khu vực giáp ranh giữa vườn điều và rừng tự nhiên... dùng bình xịt thuốc sâu tìm kiếm và phá những tổ ong để ong bay làm tổ ở những khu vực khác xa nơi người dân qua lại có thể nhìn thấy và dùng lửa để bắt ong lấy mật. Đây là nguy cơ gây cháy rừng rất cao, khó kiểm soát. Việc xác định được nguyên nhân và có biện pháp phòng cháy chữa cháy cụ thể, áp dụng trong điều kiện thực tế trên núi Bà Rá. Mười lăm năm nay khu vực núi Bà Rá không xảy ra cháy rừng đáng kể, các đám cháy nhỏ nếu có được phát hiện kịp thời và dập tắt, không để ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của rừng, duy trì được màu xanh cho núi Bà Rá, là điểm tham quan du lịch tin cậy cho du khách./.
Tác giả bài viết: Thái Thị Minh Thường
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm Bù Đốp