Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước
Quang
2018-07-12T21:21:21-04:00
2018-07-12T21:21:21-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-doan-the/Ban-giai-phap-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao-o-Binh-Phuoc-1689.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2018_07/new-picture_1.png
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Ngày 12/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Bình Phước”.
Hội thảo do Phó Giám đốc Sở Lê Thị Ánh Tuyết và Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Lan Hương đồng chủ trì. Dự Hội thảo có các chuyên gia nông nghiệp, đại diện lãnh đạo Viện Cây ăn quả miền Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện cho các sở, ngành, huyện, thị và doanh nghiệp, thành viên Câu lạc bộ trí thức trong và ngoài tỉnh Bình Phước. Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Bình Phước về sự cần thiết phải phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời phát huy vai trò, tiềm năng, trí tuệ, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh trong xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh Bình Phước. /uploads/news/2018_07/new-picture-1.png Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Lan Hương phát biểu tại Hội thảo Tại Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Phước Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh, nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất; nâng cao hiệu quả, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đối với Bình Phước, sau hơn 21 năm tái lập tỉnh, thực hiện các Nghị quyết của Đảng và các Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; nông nghiệp Bình Phước đã có bước phát triển khá mạnh mẽ theo hướng chuyển dịch sản xuất truyền thống theo hộ nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất quy mô lớn và tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhìn nhận so với mặt bằng chung trong khu vực miền Đông Nam bộ và cả nước, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước còn ở mức thấp; cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và chế biến mới chỉ ứng dụng công nghệ cao từng phần, chưa hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản phẩm đối với từng loại cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ cao chưa đồng bộ; công nghệ chế biến lạc hậu, chủ yếu là là sản phẩm thô. /uploads/news/2018_07/new-picture-2.png Phó Giám đốc Sở Lê Thị Ánh Tuyết trình bày tham luận tại Hội thảo Báo cáo tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, đến năm 2020 Bình Phước sẽ thành lập 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: thị xã Đồng Xoài, diện tích 50ha; Lộc Ninh, diện tích 500ha; Hớn Quản, diện tích 500ha và huyện Đồng Phú, diện tích 50ha. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ đưa khu Đồng Xoài (50ha) vào hoạt động với sản phẩm nông nghiệp như dưa lưới, rau thủy canh, điều giống, hoa lan. Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh đã có chính sách hỗ trợ vốn khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp nâng cấp máy móc, trang thiết bị, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để đầu tư. Đặc biệt các doanh nghiệp chế biến hạt điều và các Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp để họ đầu tư cho vùng nguyên liệu chuyên canh của tỉnh. Để xây dựng, thành lập các doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm chức năng dẫn dắt, liên kết và làm đầu mới để xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại địa phương, gắn sản xuất với tiêu thụ xây dựng chuỗi giá trị nhằm gia tăng hiệu quả trong sản xuất. Khuyến khích thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Câu lạc bộ, hộ gia đình sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đào tạo nguồn nhân lực và quản lý chuyên nghiệp về Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” - PGĐ Sở Lê Thị Ánh Tuyết nói. Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý và đại biểu tập trung phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Phước cả về ưu điểm, hạn chế. Đồng thời, làm rõ các tiêu chí cơ bản của nền nông nghiệp công nghệ cao và đối chiếu với thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Phước để thấy rõ hiện nay trình độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đang ở mức độ nào. Từ đó tìm ra những giải pháp, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của Bình Phước. /uploads/news/2018_07/new-picture-3.png TS.Huỳnh Hữu Đức - Chuyên gia công tác tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến tại Hội thảo TS. Huỳnh Hữu Đức - Chuyên gia công tác tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao thì Bình Phước cần phân biệt rõ khái niệm khu nông nghiệp công nghệ cao và khu (vùng) sản xuất nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao; làm rõ chức năng nhiệm vụ từng khu; chọn đối tượng cây trồng vật nuôi đầu tư. Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ từ các tỉnh, thành phố có thế mạnh, kể cả hợp tác với nước ngoài. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải lấy doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, kế đến các Hợp tác xã, trang trại. Mặt khác, cần giải quyết vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng chuỗi giá trị - truy xuất nguồn gốc sản phẩm; liên kết thị trường cũng như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ - gắn vùng nguyên liệu. Đồng quan điểm, đại diện Ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, muốn xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao trước hết công tác quy hoạch phải được triển khai thực hiện sớm, đảm bảo phù hợp với điều kiện sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khai thác có hiệu quả được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về đất đai, khí hậu và môi trường. /uploads/news/2018_07/new-picture-4.png Những giống điều vượt trội của Bình Phước được công nhận Bên cạnh đó, nhà nước có chủ trương hỗ trợ về vốn, tiêu thụ sản phẩm, công tác quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất, giống cây trồng. Doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các doanh nghiệp phải góp phần giúp nông dân tiếp cận tốt với công nghệ và ứng dụng vào sản xuất; định hướng thị trường, liên kết với nông dân để mới rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển thương hiệu sản phẩm. Cần định hướng giúp các trang trại và nông dân sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua hợp đồng nhằm ổn định thị trường và mở rộng liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các đại biểu tham dự tại Hội thảo cũng như các độc giả xem trực tuyến trên Tạp chí Khoa học thời đại (điện tử) đã đặt những câu hỏi liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao đến Hội thảo. Những câu hỏi này đã được đại diện các đơn vị liên quan, nhà khoa học và doanh nghiệp trả lời thỏa đáng. Kết luận Hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cho biết, sẽ ghi nhận và tổng hợp những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Đồng thời kiến nghị lãnh đạo tỉnh nên xem xét để chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao với tầm nhìn dài hạn và lưu ý việc xây dựng cơ chế, chính sách phải tạo ra được “hệ sinh thái” cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển mạnh mẽ, bền vững. Trước mắt, đề nghị các đơn vị liên quan chủ động, khẩn trương tham mưu triển khai thực hiện các định hướng, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020.
Nguồn tin: Đài PTTH huyện Bù Đăng