Dự Hội nghị có Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Hoàng Mạnh Thường, đại diện các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố, các công ty thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng và các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm, có 9/11 huyện, thị xã xảy ra thiếu nước, hạn hán ở cấp độ 2-3, đặc biệt là tại Bù Gia Mập, Bù Đăng.
PGĐ Sở NN và PTNT Hoàng Mạnh Thường trao đổi tại Hội nghị
Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 đã xảy ra 07 vụ mưa lớn, lốc xoáy gây sập 3 căn nhà, tốc mái 102 căn, 56,1ha cây trồng các loại bị gãy đổ, sạt lở 50m đường vành đai hồ chứa nước xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, sạt lở đường từ thôn Đăk Côn đi thôn Bù Rên, xã Bù Gia Mập và hư hỏng nhiều tài sản khác, ước tính thiệt hại do mưa lớn gió lốc gây ra khoảng 15,4 tỷ đồng. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã trình bày tham luận về tình hình cũng như kinh nghiệm, giải pháp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ở một số địa phương, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phạm Thụy Luân phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Phạm Thụy Luân đề nghị các Sở, ngành, thành viên Ban Chỉ huy và các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó và phối hợp, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; thường xuyên theo dõi, nắm bắt, chủ động, báo cáo kịp thời và thực hiện đôn đốc, giám sát, hướng dẫn, cơ chế phối hợp hiệu quả, tích cực hơn trong công tác phòng chống thiên tai. Đồng thời đề nghị các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kiện toàn và phân công công việc cụ thể cho các thành viên từ cấp huyện đến cấp xã; chỉ đạo UBND cấp xã kiện toàn, củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai; tăng cường trực chỉ huy, đảm bảo thực hiện phương châm ”4 tại chỗ”; chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trong mùa mưa; xác định các trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi thiên tai xảy ra; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm ″phòng là chính”./.