Với đối tượng nghiên cứu là các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, trong khoảng thời gian từ năm 2021-2023, nhóm nghiên cứu tập trung vào các nội dung chính gồm: Điều tra tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, tiêm phòng, dịch bệnh; xây dựng lớp bản đồ trang trại chăn nuôi và các lớp bản đồ khác liên quan đến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ; xây dựng phần mềm quản lý trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, dịch tễ trên địa bàn tỉnh (WebGIS, ứng dụng trên điện thoại di động); cài đặt, triển khai, đánh giá hệ thống phần mềm.
Toàn cảnh cuộc họp
Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý, chương trình WebGIS là công cụ hữu ích để hỗ trợ cho công tác tác nghiệp hàng ngày tại Chi cục Thú y. Người sử dụng có thể tìm kiếm, thống kê, xác định các hộ chăn nuôi nằm trong vùng ổ dịch hoặc vùng bị uy hiếp để có kế hoạch phòng, chống dịch kịp thời. Bên cạnh đó, chương trình còn có các chức năng khác như: tìm kiếm hộ/cơ sở chăn nuôi, đơn vị thú y hoặc các đối tượng liên quan...
Các nhà phản biện và thành viên hội đồng tại cuộc họp cho rằng, báo cáo kết quả nghiên cứu còn thiếu tính phân tích và thảo luận khoa học; thiếu tài liệu phân tích và thiết kế phần mềm; số lượng, mẫu phiếu điều tra còn hạn chế; cơ sở dữ liệu về thực trạng chăn nuôi và dịch tễ chưa có tính thời điểm; các trang trại quy mô nhỏ chưa được đề cập... Các thành viên hội đồng và các nhà phản biện đề nghị nhóm nghiên cứu làm rõ hơn tính ứng dụng của phần mềm, cơ sở khoa học của việc sử dụng công nghệ; làm rõ bản quyền và tính bảo mật của phần mềm; phân tích thêm về cơ chế giám sát dịch bệnh, nhất là ở các cơ sở giết mổ...
PGĐ Sở NN và PTNT Trần Văn Phương phát biểu tại cuộc họp
Hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất nghiệm thu đề tài với tỷ lệ 8/8 phiếu đánh giá đạt yêu cầu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, hội đồng đánh giá cao tính ứng dụng của đề tài, đồng thời yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa góp ý của các nhà khoa học và thành viên hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện báo cáo, gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tiến hành các bước tiếp theo./.