Bình Phước đạt kết quả ấn tượng về chuyển đổi số toàn quốc
Thời gian qua, Bình Phước đã và đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Minh chứng rõ nét nhất là năm 2021: Theo kết quả công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số đánh giá chuyển đổi số của Bình Phước xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2020). Trong đó, chỉ số chính quyền số xếp thứ 8/63, kinh tế số xếp 14/63, xã hội số xếp 15/63. Đây là kết quả bứt phá ấn tượng, cho thấy quá trình chuyển đổi số của Bình Phước đang được thực hiện đúng hướng, có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp.
Đến hết tháng 9-2022, Bình Phước đã hoàn thành kết quả thực hiện Kế hoạch số 170/KH-UBND về triển khai Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số”. Sau chiến dịch, dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ ở cấp tỉnh đạt 99,52%; chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đạt 87,97%; bộ phận một cửa cấp huyện đạt 96,39%; bộ phận một cửa cấp xã đạt 98,86%. Trong 8 tháng năm 2022, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí toàn tỉnh đạt 3.948 giao dịch thành công (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố); thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính lĩnh vực đất đai đạt 47.746 giao dịch thành công (xếp thứ nhất/63 tỉnh, thành phố).
Đến nay, Bình Phước đã cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh, đảm bảo việc khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Ngành ngân hàng tỉnh đã cấp mở 912.687 tài khoản thanh toán cho người từ 15 tuổi trở lên để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng và tổ chức cho phép khác. 100% các xã, thôn, ấp đã hoàn thành việc thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06. Trong tháng 8, tỉnh đã phối hợp phổ cập kỹ năng số cộng đồng đến thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng và người dân trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà, với 6.415 tài khoản tham gia học và nằm trong tốp đầu cả nước. Đồng thời, tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình tập huấn bồi dưỡng về chuyển đổi số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cấp và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng…
Chuyển đổi số là nhiệm vụ xuyên suốt
Để tiếp tục thực hiện thành công Kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và ngày Chuyển đổi số 10-10, kế hoạch thúc đẩy triển khai nền tảng số, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2022 tập trung vào những nhiệm vụ sau: Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, lan tỏa ý nghĩa, tầm quan trọng và thông điệp của Ngày chuyển đổi số trên môi trường số; khuyến khích mỗi doanh nghiệp có ít nhất một sáng kiến chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tổ chức phát động ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số; triển khai có hiệu quả các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến trên môi trường mạng; tổ chức thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh, Bình Phước luôn xác định rõ quan điểm và hành động xuyên suốt: coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số. Lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước. Chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện, làm điểm để rút kinh nghiệm. Đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng, tiện ích, kỹ năng số…
Tại lễ công bố đã diễn ra ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2026.