Bài dự thi: Bác đến

Thứ hai - 19/05/2014 18:07 1.913 0
Hồ Chí Minh Người cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa của thế giới, người được cả thế giới tôn vinh, cả về tài và đức, Người có lòng yêu thương con người bao la, luôn gần gũi nhân dân, các cháu thiếu nhi, những người nghèo khó,... và đặc biệt là các chiến sĩ thương binh trong chiến tranh. Đã có rất nhiều câu chuyện hay viết về điều này. Nhân kỉ niệm 124 năm ngày sinh nhật Bác, đến với hội thi hôm nay, tôi xin thay lời 1 cán bộ viện Quân y 7 kể lại câu chuyện cảm động về chuyến thăm của Bác. Câu chuyện được mang tên “Bác đến”.
/uploads/news/2014_05/new-picture-1_1.bmp Phần dự thi của đoàn viên Nguyễn Thị Tuyết Nhung 1. Nội dung câu chuyện: Chuyện kể rằng, hôm đó là ngày 30-5-1967, trời mùa hè trong veo, cái nắng nhẹ nhẹ, những chùm phượng vĩ đong đưa trong gió, chúng tôi đang chuẩn bị công việc buổi sáng như thường lệ thì có thông báo mời các trưởng ban lên phòng họp của Viện có việc đột xuất. Khoảng 30 phút sau, từ phòng họp, đồng chí Trưởng ban chạy về, báo cho chúng tôi một tin vui: - Bác sắp về! Cả Viện Quân y 7 rộn rã hẳn lên. Chúng tôi, mỗi người lao vào một việc để chuẩn bị đón Bác. Tim tôi đập dồn dập. Mỗi khi nghe tiếng ô tô chạy ngoài đường là chúng tôi đổ xô ra cửa, chỉ sợ Bác đến lúc nào không biết. Một đoàn xe con dừng bánh. Chúng tôi chạy ùa ra, mặc dù đã được nhắc trước là ai ở buồng nào thì ngồi tại buồng đó, Bác sẽ lần lượt đến thăm. Nhưng ai cũng muốn được nhìn thấy Bác đầu tiên. Sau khi báo cáo tình hình, đồng chí Viện trưởng mời Bác vào phòng trực tra thuốc phòng và mặc áo choàng, Bác cười: - Các chú định cho Bác làm bác sĩ hay sao? - Thưa Bác, để phòng bệnh Bác ạ. - Bác tươi cười: Xin chấp hành. Vừa nói Bác vừa mặc áo choàng, đội mũ, đeo khẩu trang theo sự hướng dẫn của đồng chí Viện trưởng. Các cán bộ đi theo Bác đều làm theo Bác. Bác đi lên cầu thang gác ban Nội 2. Cán bộ, nhân viên và thương, bệnh binh chúng tôi đứng dưới cầu thang khá đông, nhiều anh em tỏ ý muốn Bác bỏ mũ và khẩu trang để được nhìn thấy rõ Bác. Đang đi lên cầu thang, khi biết nguyện vọng của anh em, Bác tươi cười quay lại: - Bác không phải là bác sĩ. Bác không muốn là bác sĩ giả. Nhưng đồng chí Viện trưởng bảo để phòng bệnh thì Bác phải chấp hành. Các cháu hỏi bác sĩ đây có đồng ý cho Bác bỏ mũ và bịt miệng ra không? Bác vừa nói xong, bác sĩ Viện trưởng thưa với Bác là: -Vâng, có thể được ạ, vì khu vực này không phải là khu lây ạ. Bác sĩ Viện trưởng vừa đỡ lấy chiếc mũ và cởi chiếc khẩu trang của Bác ra, chúng tôi đứng dưới cầu thang vỗ tay vang dội, sung sướng đến chảy nước mắt. Tôi lách vào đứng thật gần Bác để được nhìn thấy Bác rõ nhất. Trong lúc phấn khích ấy, một đồng chí thương binh giơ tay hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Bác khoát tay ra hiệu không được hô. Bác bảo: - Ở đây là bệnh viện, phải giữ yên tĩnh để các cô, các chú đang mệt nghỉ ngơi, dưỡng sức. Bác vào thăm một buồng nữ bệnh nhân của ban Nội 1. Chị Huệ, một thương binh miền Nam tập kết, trông thấy Bác chị reo lên nghẹn ngào, òa lên, khóc nức nở, trong niềm vui sướng: “Bác” Bác ân cần, bước đến bên cạnh chị, đặt nhẹ bàn tay gầy xương lên bờ vai còn đang rung rung của chị và hỏi: - Tại sao cháu lại khóc? Bác đến thăm, cháu phải vui chứ! Chị Huệ nghẹn ngào trong nước mắt: - Thưa Bác, khi đi tập kết, ba, má, đồng bào miền Nam dặn con: Ra miền Bắc thưa với Bác Hồ… Nói đến đây chị Huệ cứ khóc nấc lên như thế, không sao nói được nữa, gương mặt chị vừa mừng vui, nhiều cảm xúc, nỗi mong gặp Bác khắc khoải từng ngày đã được gặp. Bác cảm động lắm, cầm tay chị Huệ một lúc, thật lâu. Mọi người đứng xung quanh cũng xúc động, lặng đi, hòa trong cảm xúc của chị Huệ, niềm cảm động không tả xiết. Một lát sau, chị Huệ lau nước mắt nhìn Bác, vẫn không nén được niềm xúc động trào dâng: - Thưa Bác, hôm nay được gặp Bác con mừng quá, con khóc đấy ạ...! - À, thế là mừng quá cũng khóc. Câu nói của Bác đơn giản thế, nhưng chúng tôi thấy sâu thẳm trong đôi mắt Bác canh cánh, đau đáu một nỗi niềm thương nhớ đồng bào miền Nam... Bác tiếp tục đi thăm các cơ sở điều trị của thương binh, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh... Sau đó, Bác ra sân, nói chuyện với anh chị em chúng tôi. Sau khi nói về tình hình nhiệm vụ, Bác dặn anh em thương binh, bệnh binh: Các cháu phải yên tâm tin tưởng vào thầy thuốc thì chữa bệnh mới chóng khỏi, phải đoàn kết với cán bộ, nhân viên của bệnh viện. Đối với cán bộ, nhân viên, phải đoàn kết chặt chẽ giữa cán bộ chính trị với cán bộ chuyên môn, phải hết lòng hết sức chữa cho bệnh nhân, phải coi người bệnh như những người ruột thịt, thân thiết nhất của mình. Bác nói xong, từng tràng vỗ tay nổi lên vang dậy. Xe ô tô đón Bác đã nổ máy, nhưng không ai muốn rời Bác. Bác khoa tay và hỏi: - Bác vừa nói như vậy, các cháu có thực hiện được không? - Có ạ! - Các cháu có nghe lời Bác không? Mọi người còn bỡ ngỡ chưa hiểu gì cả. Nhưng đồng thanh hô: - Có ạ! - Nghe lời Bác thì đứng tránh cho xe Bác đi nào. Chúng tôi lại vỗ tay ran lên, trong lòng ai cũng bịn rịn, lưu luyến, muốn kéo dài khoảnh khắc được ở bên Bác... Giữa tiếng vỗ tay ấy, chiếc xe ô tô con sơn màu sữa từ từ chuyển bánh, mọi ánh nhìn dõi theo Bác cho đến khi xe đi khuất hẳn. Ánh nắng rực rỡ của một buổi sáng tháng 5 đan vào chùm phượng vĩ nở đỏ rực đung đưa theo gió. Bác tiếp tục đi thăm thành phố mới được giải phóng trong chuyến hành trình dài bất tận. Ý nghĩa, bài học, liên hệ thực tế: Qua câu chuyện kể trên, chúng ta thấy rằng, khi đến nơi công tác, Bác như 1 người dân thường khác, rất nghiêm túc trong việc chấp hành nội quy, tuân thủ theo những quy định của Viện Quân y 7. Chúng ta có bao giờ tự hỏi, bản thân đã làm được như vậy chưa? Chẳng hạn như ở bệnh viện, có “Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”? Hay đôi khi cũng có những lúc cao hứng mà vẫn nói hơi to, đi hơi mạnh, cười hơi lớn!? Dù chỉ là những cư xử rất nhỏ trong công việc, cuộc sống hàng ngày, nhưng những việc nhỏ ấy sẽ tích dần, tích dần để góp phần hoàn thiện nhân cách của mỗi con Người. Câu chuyện “Bác đến” còn cho chúng ta thấy bài học về tình yêu thương bao la, gần gũi, ân cần, lo lắng về sức khỏe, chỗ ăn, chổ nghỉ, thể hiện sự quan tâm, động viên chăm sóc tinh thần, dặn dò, nhắc nhở của Bác đối với các chiến sĩ thương binh và bác sĩ. Lời bác dặn ấy, đến nay, Đảng và nhà nước ta vẫn đang thực hiện, với khẩu hiệu “lương y như từ mẫu”, thầy thuốc như mẹ hiền. Hiện nay, cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng đã có rất nhiều y bác sĩ giỏi, vừa hồng lại vừa chuyên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” về vấn đề y đức mà xã hội và dư luận nhức nhối. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là việc làm rất khó, nhưng rất cần thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, ở mọi cấp, mọi ngành, mỗi cá nhân, tập thể… Qua câu chuyện không chỉ nói đến cán bộ ngành y mà tất cả những đoàn viên, thanh niên, chủ nhân tương lai của đất nước hãy cùng học tập Bác từ những việc nhỏ nhất, làm những việc hữu ích tùy theo sức của mình, nuôi dưỡng lòng nhân ái, yêu thương con người để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, Đặc biệt trong lúc cả hướng đang về biển đảo, chúng ta có thể hiện tình yêu đất nước, tình yêu đối với các chiên sỹ nơi đảo xa, đầu sóng ngọn gió, ngày đêm canh gác, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước bằng những việc làm thiết thực, có thể hộ bằng tinh thần và vật chất. Đó chính là thông điệp chúng tối muốn gửi đến quý vị qua câu chuyện “Bác đến” trong hội thi hôm nay!./.
Tác giả bài viết: Tuyết Nhung
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây