Đề án nhằm tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể áp dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực, trong đó chọn tạo giống vật nuôi chủ lực công nghệ cao đáp ứng được 95% nhu cầu giống lợn, 85 - 90% nhu cầu giống gia cầm, 100% nhu cầu giống thủy cầm, 70% giống bò thịt.
Về dinh dưỡng thức ăn chăn nuôi, chuyển giao công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, đáp ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu; khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.
Về chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi, chuyển giao công nghệ sản xuất trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80% nhu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững.
Về chế biến các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ, chuyển giao công nghệ đảm bảo 50-55% cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp và 90% cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến vào năm 2030, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Đề án tập trung vào 05 nội dung, nhiệm vụ và giải pháp chính sau: nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chuyên sâu, hiện đại, đồng bộ ngang tầm trình độ trong khu vực và quốc tế; nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực bằng công nghệ cao để chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi trong nước; nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công - nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường; nghiên cứu công nghệ chuồng trại, quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững; nghiên cứu công nghệ chế biến, bảo quản các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Cụ thể, đối với nhiệm vụ và giải pháp nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi theo hướng chuyên sâu, hiện đại, đồng bộ ngang tầm trình độ trong khu vực và quốc tế cần: ưu tiên đầu tư nâng cấp một số cơ sở nghiên cứu tại 03 vùng Bắc - Trung - Nam để khảo kiểm nghiệm, kiểm định giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi; đầu tư nâng cấp một số phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ cao lĩnh vực chăn nuôi ngang tầm khu vực. Đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân và nguồn vốn nước ngoài cho đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ lĩnh vực chăn nuôi.
Đối với nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực bằng công nghệ cao để chuyển giao cho các cơ sở sản xuất giống vật nuôi trong nước cần: nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống vật nuôi; nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ưu tiên chọn lọc đàn hạt nhân để nâng cao chất lượng hệ thống giống.
Phục tráng và phát triển một số giống vật nuôi bản địa có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; áp dụng phương pháp chọn lọc tiên tiến kết hợp với điều kiện chăn nuôi bằng công nghệ cao để chọn tạo các bộ giống gia cầm bản địa đủ sức cạnh tranh với các giống gia cầm nhập nội. Đẩy nhanh tốc độ cải thiện di truyền, tăng năng suất, chất lượng, sức khỏe vật nuôi, bảo vệ nguồn giống vật nuôi có nguy cơ tuyệt chủng, cũng như nâng cao hiệu quả chăn nuôi./.