Đầu tư 1.700 tỷ đồng vào ba dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Phước

Thứ hai - 26/08/2019 22:09 599 0
Chiều ngày 26/8, tại UBND tỉnh Bình Phước diễn ra Hội nghị liên doanh hợp tác phát triển 3 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp Bình Phước với số tiền trên 1.700 tỉ đồng, giữa Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình (T&T 159) và Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái Cây Chánh Thu Bến Tre (Công ty Chánh Thu).
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Cường – Phó cục trưởng Văn phòng Chính phủ khu vực phía Nam; ông Nguyễn Quốc Toản - Cục Trưởng Cục Chế Biến & Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT; ông Mr Willem Schoustra - Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam. Về phía tỉnh Bình Phước có ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh Bình Phước. Tại buổi làm việc, các nhà đầu tư đã trình bày trước lãnh đạo Bộ NN&PTNT và tỉnh Bình Phước về việc đầu tư 3 dự án “khủng” trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, thích ứng với thời đại 4.0. Theo đó, ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Hùng Nhơn Group đã trình bày khái quát Dự án “Xây dựng khu chăn nuôi gà thịt xuất khẩu chất lượng cao DHN Bình Phước”. Dự án do Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH De Heus làm chủ đầu tư. Hùng Nhơn và De Heus sẽ đầu tư, xây dựng một khu chăn nuôi gà thịt xuất khẩu chất lượng cao, trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà thịt xuất khẩu theo chuỗi liên kết khép kín, bao gồm: chăn nuôi gà thịt, giết mổ và thương mại sản phẩm thịt gà có chất lượng hàng đầu Việt Nam, có hiệu quả kinh tế vượt trội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn Global Gap. Khu chăn nuôi có diện tích đất sử dụng khoảng 110 ha, gồm 4 hạng mục đầu tư: xây dựng trang trại chăn nuôi gà thịt xuất khẩu 10 triệu con/năm: 90 ha; xây dựng nhà máy giết mổ gà thịt xuất khẩu 5.000con/ngày: 3 ha; xây dựng khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ: 2 ha và xây dựng hạ tầng kỹ thuật và vùng cách ly khoảng 15 ha. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 1.150 tỷ đồng. Dự án ứng dụng công nghệ 4.0 xuyên suốt trong quá trình chăn nuôi, giúp kiểm soát tốt chất lượng chăn nuôi trong Khu, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi, giảm giá thành sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Song song với hiệu quả kinh tế, điểm mới trong dự án này là hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Điều này góp phần nâng cao giá trị môi trường của sản phẩm gà thịt. Đồng thời, còn tạo ra cơ hội việc làm cho 100 lao động, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh. Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn, từ này đến năm 2025. Kế đến, ông Gabor Fluit – Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực Châu Á đã trình bày cơ hội phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tại tỉnh Bình Phước. Việc liên doanh thực hiện Dự án “Xây dựng khu chăn nuôi gà thịt xuất khẩu chất lượng cao DHN Bình Phước” giữa hai bên Hùng Nhơn Group và De Heus. Đây là một dự án nằm trong kế hoạch xuất khẩu thịt của tập đoàn này cùng các đối tác Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh về gia cầm diễn biến phức tạp và khó lường ở Việt Nam, Hùng Nhơn và De Heus nhận thấy tầm quan trọng của việc thành lập vùng an toàn dịch bệnh. Ngoài ra, nhu cầu về giống di truyền khỏe và sạch bệnh luôn tăng cao sau mỗi đợt dịch bệnh để phục vụ việc tái đàn. Xuất phát từ thực tế đó, Hùng Nhơn và De Heus có kế hoạch liên doanh đầu tư thực hiện Dự án này. Ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần T&T 159 đã nêu khái quát Dự án “Xây dựng khu chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao và liên kết phát triển nuôi bò thịt dưới tán rừng HNT&T 159 Bình Phước”. Dự án do Tập đoàn Hùng Nhơn và T&T 159 làm chủ đầu tư. Hùng Nhơn và T&T 159 sẽ đầu tư và xây dựng một khu chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao, trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò thịt: nuôi bò thịt và thương mại sản phẩm thịt bò có chất lượng hàng đầu Việt Nam, có hiệu quả kinh tế vượt trội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế chuyên ngành. Liên kết với 10.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước để hình thành vùng nuôi bò thịt dưới tán rừng quy mô nông hộ. Trong đó, khu chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao cung cấp toàn bộ giống, chuyển giao quy trình công nghệ nuôi (thức ăn, thuốc bệnh, chăm sóc) và thu mua toàn bộ sản phẩm. Khu chăn nuôi bò tập trung khoảng 100 ha. Dự án sẽ tạo việc làm cho hơn 15.000 người tại địa phương. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dự án sẽ triển khai thành 3 giai đoạn, từ nay đến năm 2025. /uploads/news/2019_08/182709_3-du-an-nong-nghiep-cong-nghe-cao-hon-1-700-ty-dong-dau-tu-vao-binh-phuoc.jpg Ký kết dự án “xây dựng khu chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao và liên kết phát triển nuôi bò thịt dưới tán rừng HNT&T 159 Bình Phước”. Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty Chánh Thu đã trình bày tóm tắt phương án thực hiện Dự án “Xây dựng khu trồng, tập kết, thu mua, bảo quản và đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao HNCT Bình Phước”. Dự án do Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty TNHH xuất nhập khẩu XNK trái cây Chánh Thu làm chủ đầu tư. Dự án hoàn thành sẽ cung cấp cho thị trường trong nước và ngoài nước các loại trái cây an toàn theo đúng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế, với công suất 20.000 tấn/năm. Dự án sẽ có một khu trồng, thu mua và chế biến trái cây xuất khẩu chất lượng cao. Nơi đây sẽ trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu trái cây theo chuỗi liên kết khép kín, gồm: trồng trọt, thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu và thương mại sản phẩm trái cây có chất lượng hàng đầu Việt Nam, có hiệu quả kinh tế vượt trội, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn Global Gap. Diện tích đất sử dụng của dự án khoảng 50 ha. Dự kiến vốn đầu tư của dự án này khoảng 100 tỷ đồng. Dự án tạo ra cơ hội việc làm cho 200 lao động, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về trồng trọt và chăm sóc cây ăn trái theo công nghệ hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh Bình Phước. Dự án cũng sẽ triển khai thành 3 giai đoạn, từ nay đến năm 2025. Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Anh Minh cho biết, việc tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ có vai trò tiên quyết để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp thời gian tới. Do đó, để hỗ trợ cách doanh nghiệp thực hiện dự án thuận lợi, ông Minh đề nghị các sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường hợp tác thực hiện rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng đáp ứng yêu cầu hình thành mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại một số ngành hàng mang tính hạt nhân, qua đó tạo tác động lan tỏa trong chuyển đổi các loại sản phẩm khác đảm bảo chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, quy hoạch sản xuất phải gắn với quy hoạch chế biến, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm cũng như quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó cần lưu ý bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Mặt khác, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục đầu tư với thời gian nhanh nhất để đảm bảo tiến độ. Dịp này, 4 công ty trên đã ký kết hợp tác đầu tư vào nông nghiệp Bình Phước với số tiền trên 1.700 tỉ đồng. Đây đều là các dự án nông nghiệp áp dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm ngay tại vùng nguyên liệu và định hướng xuất khẩu.
Tác giả bài viết: Nguyễn Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây