1. Đối với cây lúa: Thường xuyên cần thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn, để chủ động trong công tác phòng trừ trên lúa Thu Đông, Mùa năm 2021. Bón phân cân đối NPK, không bón thừa đạm. Lưu ý, bệnh đạo ôn lá, bạc lá vi khuẩn trên lúa là bệnh rất khó phòng trị, do đó cần kết hợp các biện pháp phòng và trị thì mới đạt hiệu quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" và phải luân phiên các loại thuốc để tránh tình trạng kháng thuốc. Nếu bệnh nặng phải phun lại lần 2 cách lần 1 từ 05 - 07 ngày.
2. Đối với cây rau–màu: Hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý sâu bệnh hại theo hướng an toàn, sinh học và cần tuân thủ đúng thời gian cách ly của thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp bị ngập úng phải tiêu thoát nước nhanh và hướng dẫn nông dân chăm sóc để phục hồi bộ rễ, hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ,... Tính toán thời vụ gieo trồng, dự kiến thời gian thu hoạch cây rau màu phù hợp, tránh thu hoạch với sản lượng quá lớn vào cùng thời điểm để đảm bảo đầu ra sản phẩm tốt hơn, trong điều kiện khó khăn tiêu thụ sản phẩm như hiện nay.
3. Đối với cây mì (sắn): đề nghị các địa phương không được chủ quan, cần tang cường công tác hướng dẫn phòng trừ bệnh khảm lá vi rút; điều tra, phát hiện, cho xử lý bệnh khảm lá vi rút hại mì...
4. Đối với cây ăn trái: Bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối. Tăng cường bón vôi vào đầu hay cuối mùa mưa để góp phần làm tăng PH đất, giúp giải phóng các dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái cây ngon hơn, chủ động gia cố các bờ bao xung quanh vườn cây để chống ngập úng. Khuyến cáo nông dân chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc vườn, đẩy mạnh áp dụng quy trình phòng chống sâu, bệnh. Điều tiết sản lượng rải vụ cho từng tháng, tránh xảy ra tình trạng thu hoạch tập trung cùng thời điểm, diện tích sản xuất rải vụ phải gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo đầu ra.
5. Đối với cây công nghiệp lâu năm.
a.Cây hồ tiêu:
- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền qua đài phát thanh tại địa phương, để người sản xuất biết về mức độ nguy hiểm của các loại sâu bệnh hại trên cây tiêu,hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ hữu hiệu... ; đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, sản xuất tiêu bền vững;
- Thường xuyên kiểm tra vườn cây, phát quang cây che bóng, không để vườn cây rậm rạp, thiếu ánh nắng mặt trời. Những vườn tiêu không thoát nước cần khai thông mương thoát nước, tuyệt đối không để vườn tiêu bị úng nước sẽ gây bệnh vàng lá thối rễ, chết hàng loạt. Khuyến cáo người dân phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.
b. Cây cà phê: Thường xuyên vệ sinh vườn cây như cắt tỉa cành bị sâu bệnh, chồi vượt, cành tăm, cành vô hiệu trong tán, cành sát mặt đất để vườn cà phê thông thoáng, giảm tiêu hao dinh dưỡng, hạn chế sự phát sinh lây lan của rệp, xử lý kịp thời, phù hợp.
c. Cây điều: Thường xuyên kiểm tra vườn nhằm phát hiện những đối tượng sâu bệnh gây hại để có kế hoạch phòng trừ kịp thời. Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ, phát quang bụi rậm để vườn thông thoáng, cắt tỉa và đốt các cành bị sâu bệnh, chết khô nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Tiến hành bón phân đợt 2 để cây cho ra hoa đồng loạt.
d. Cây cao su: Thường xuyên kiểm tra vườn để phát triển sớm các đối tượng dịch hại và có biện pháp xử lý kịp thời. Lưu ý bệnh loét sọc miệng cạo, nấm hồng gây hại làm ảnh hưởng đến sản lượng. Khuyến cáo người dân căn cứ tình trạng vườn cây để sử dụng thuốc kích thích mủ và không lạm dụng khi vườn cây đang bị bệnh.
đ. Đối với những vườn cây đã bị nhiễm bệnh cần xử lý bằng các loại thuốc BVTV đặc hiệu được khuyến cáo cho cây trồng với liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất theo quy trình phòng trừ bệnh để bảo vệ vườn cây;