Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ rệt, thể hiện ở số vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp năm sau luôn giảm hơn so với các năm trước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, Đảng viên và Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của toàn dân tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.
Tuy nhiên, qua số liệu báo cáo về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong 02 tháng đầu năm 2023, với số vụ vi phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực lâm nghiệp đã được phát hiện và lập hồ sơ xử lý là 10 vụ. Ngoài ra, qua kiểm tra công tác PCCCR của một số đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn có đơn vị lơ là, chủ quan, chưa đảm bảo các quy định về PCCCR.
Chi cục Kiểm lâm kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn huyện Lộc Ninh
Vì vậy, trong văn bản Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, UBND cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ, Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 18/10/2017 của Tỉnh ủy Bình Phước và Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 05/12/2017 của UBND tỉnh.
2. Theo quy định về trách nhiệm của cấp ủy cơ sở Đảng, người đứng đầu đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phải cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả trên thực tế Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP, Kế hoạch số 82-KH/TU và Kế hoạch số 260/KH-UBND.
3. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về quản lý, bảo vệ, sử dụng, phát triển rừng và PCCCR sâu, rộng đến toàn thể Nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hiệu quả; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
4. Tăng cường phối kết hợp nhằm kiểm tra, giám sát việc chấp hành, thi hành pháp luật của cấp dưới, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng. Kiên quyết xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm để xảy ra phá rừng, cháy rừng gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
5. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có; từng bước giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn tỉnh.
6. Trong những tháng mùa khô, tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng đối với các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng; chú trọng thực hiện các biện pháp an toàn PCCCR; thường xuyên cảnh báo, dự báo nguy cơ cháy rừng nhằm nâng cao độ chính xác trong dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh; tăng cường các biện pháp phát hiện sớm lửa rừng.
7. Chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng được giao hàng năm; kế hoạch trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế, trồng rừng bán ngập.