“Chín vẫn ở trên cây”
Đây là tình trạng chung của tất cả loại trái cây đang đến mùa thu hoạch trên địa bàn tỉnh nói chung và thị xã Bình Long nói riêng. Hiện nay, cam, bưởi, nhãn, chanh… đều đang đến độ chín. Thế nhưng trái vẫn ở trên cây, nếu thu hoạch thì nhà nông cũng phải chọn lọc, hái cầm chừng chỉ đủ cung cấp cho các đơn vị buôn bán nhỏ lẻ hoặc “ship” nhanh cho người dùng với số lượng tính từng kilôgam. Trong khi sản lượng các vườn cây lên đến hàng trăm tấn, vì vậy việc tiêu thụ số lượng nhỏ lẻ của thị trường trong tỉnh như muối bỏ biển.
Không có thương lái đến mua, nông dân vẫn phải thu hoạch cầm chừng và bán lẻ cho các sạp trái cây trên địa bàn
Là hộ đi đầu trong mô hình trồng trái cây theo hướng sinh học, vườn cam và bưởi của gia đình chị Vũ Thị Út ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương rộng hơn 10 ha đã đạt chuẩn VietGAP. Bình quân mỗi năm, vườn cho thu hoạch khoảng 100 tấn trái. Năm nay, trái cây được mùa và cho năng suất cao hơn nhưng chủ vườn chỉ hái cầm chừng. “Do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ trái cây rất chậm, một ngày chỉ được tầm 3 tạ. Tôi phải rao bán trên mạng xã hội, khi có người đặt mua mới hái và đem giao, nhưng giá chỉ 12 ngàn đồng/kg. Còn khi chưa có dịch Covid-19, thương lái đến tận vườn thu mua, mỗi ngày từ 3-5 tấn với giá khoảng 20 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, nếu không hái kịp thời còn có hại cho cây” - chị Út cho biết.
Dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn tỉnh đúng thời điểm các loại trái cây vào vụ thu hoạch khiến nông dân trên địa bàn xã Thanh Lương “đứng ngồi không yên”. Nhìn thành quả lao động cả năm đang treo lơ lửng trên cây, thậm chí sẽ trở thành phế phẩm nếu không được hỗ trợ tiêu thụ kịp thời, ai cũng xót. Anh Nguyễn Tuấn Anh, ấp Thanh An, xã Thanh Lương chia sẻ: Gia đình tôi có 1,5 ha nhãn, năm nay vườn cây đạt năng suất cao. Hiện mỗi ngày có hơn 3 tấn nhãn chín cần thu hoạch nhưng thực tế đầu ra chỉ được 4 tạ/ngày. Số lượng này tôi cung cấp cho sạp bán trái cây các chợ. Nhãn chín bị ùn ứ rất nhiều, hiện gia đình chỉ biết ngồi chờ hết dịch để thương lái ngoại tỉnh đến thu mua. Vì hiện tại đường đi lối lại được kiểm soát nghiêm ngặt thương lái không đến được.
Không chỉ các hộ dân nhỏ lẻ mà Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thương mại - dịch vụ thị xã Bình Long có 67 thành viên, với tổng diện tích hơn 100 ha cây ăn trái cũng gặp khó trong tiêu thụ nông sản.
HTX mong muốn cấp trên tạo điều kiện hơn nữa giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Nếu kéo dài thời gian thì hàng tấn trái cây sẽ bị hư hỏng, không chỉ khiến nông dân thất thu mà khó khăn trong xử lý các trái cây quá hạn thu hoạch để bảo vệ vườn cây cho vụ mùa tới. |
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ thị xã Bình Long |
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ thị xã Bình Long cho biết: Để gỡ khó cho nông dân, UBND thị xã Bình Long đã cấp “giấy thông hành” lưu thông các mặt hàng trái cây đi Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Tuy nhiên, đa số thương lái lớn đến từ các tỉnh, thành phố khác, thậm chí ở Campuchia đang thực hiện phòng, chống dịch họ không được vào địa bàn tỉnh. HTX đã tự tìm đầu ra nhưng chỉ kết nối với các đơn vị trong tỉnh và sản lượng tiêu thụ rất ít so với sản lượng thu hoạch hiện nay.
Nông sản cần một lối ra bền vững
Nhiều năm nay, người dân ở Bình Long, đặc biệt ở xã Thanh Lương gắn bó với các loại cây ăn trái tạo thành một lĩnh vực kinh tế mới của tỉnh. Việc thành lập HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ thị xã Bình Long chứng tỏ được một thành phần mới trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã được định hình và phát triển ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng, trong đó có thị trường trái cây.
Toàn thị xã Bình Long có khoảng 1.000 ha cây ăn trái. Hiện nay, nhãn, cam, xoài, bưởi, chanh... đang cho thu hoạch. Niên vụ này, năng suất trái cây các hộ dân đạt khoảng 6.000 tấn. Riêng trái nhãn đang có nhu cầu đầu ra trong thời gian tới 3.000 tấn; đối với cam và chanh khoảng 600 tấn. Hội Nông dân thị xã Bình Long đã liên hệ các hệ thống siêu thị, Bách Hóa Xanh nhưng nhu cầu nguồn hàng của các siêu thị không cao. Hội Nông dân đã triển khai cho các hộ dân thống kê số lượng nông sản cần tiêu thụ báo cáo Sở Công Thương nhưng vẫn chưa có phương án hỗ trợ cụ thể. |
Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Bình Long |
Ông Võ Văn Quốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: Để giúp nông dân, chính quyền đã vận động các hội, đoàn thể, HTX đưa ra nhiều phương án tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, lượng nông sản tồn trong dân khá lớn, trong khi lực của HTX cũng như hoạt động của các hội chưa đủ sức giúp nông dân tiêu thụ hết. Chúng tôi kiến nghị tỉnh có cơ chế, chỉ đạo đôn đốc cụ thể về giải quyết hàng nông sản cho nông dân trong đợt dịch Covid-19 này.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân được đặt lên mức cao nhất. Tuy nhiên, giúp nông dân bảo vệ thành quả lao động, duy trì kế sinh nhai để có thể trụ vững trong đại dịch cũng là điều bức thiết. Vì thế, cần có một kịch bản cụ thể hơn nữa, với giải pháp đủ mạnh để hỗ trợ kịp thời không chỉ riêng với người trồng cây ăn trái ở Bình Long mà còn với các địa bàn khác trong tỉnh./.