BÌNH PHƯỚC: PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU HỒ TIÊU LỘC NINH

Thứ tư - 27/08/2014 21:23 3.097 0
Bình Phước luôn dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng hồ tiêu. Trong 10 người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam (do Hiệp hội hồ tiêu bình chọn) có tới 6 người ở Lộc Ninh, Bình Phước. Sản phẩm hồ tiêu của Lộc Ninh được tiêu thụ khắp thế giới. Mặc dù vậy, bao năm nay hồ tiêu của Lộc Ninh vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, gây nên thiệt thòi không đáng có cho người trồng tiêu. Để góp phần giải quyết khó khăn, từ năm 2012, Đề án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh đã được triển khai, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển loại cây trồng đặc sản này.
Cây hồ tiêu ở Bình Phước Hồ tiêu là một trong những loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế và giá trị xuất khẩu cao được phát triển rộng rãi từ thế kỷ XX. Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu trên thế giới không ngừng gia tăng, trong khi cây tiêu chỉ thích hợp ở vùng nhiệt đới. Do đó, tiêu là nông sản xuất khẩu quan trọng của một số nước châu Phi, châu Mỹ và châu Á, trong đó có Việt Nam. Đến nay, cả nước có khoảng trên 50 ngàn ha tiêu, được trồng tập trung ở 17 tỉnh/thành phố từ Quảng Trị trở vào. Cây tiêu có mặt ở Bình Phước từ rất sớm, do nhiều điều kiện tự nhiên phù hợp với nó. Tính đến nay, diện tích tiêu toàn tỉnh là trên 13 ngàn ha, cho sản lượng trên 30.000 ngàn tấn/năm, dẫn đầu cả nước về diện tích và sản lượng. Nhờ cây tiêu mà hàng trăm hộ dân ở tỉnh Bình Phước trở thành triệu phú, tỷ phú; nhiều vùng nông thôn có điều kiện khởi sắc. Trong 10 huyện/thị xã của tỉnh Bình Phước thì Lộc Ninh được mệnh danh là thủ phủ của cây tiêu với diện tích khoảng 4.000 ha, chiếm trên 40% diện tích tiêu cả tỉnh nhưng sản lượng chiếm gần 50%. Diện tích tiêu của Lộc Ninh tập trung ở các xã Lộc An, Lộc Thạnh, Lộc Quang, Lộc Hòa và Lộc Tấn. Trong 10 người trồng tiêu giỏi nhất của Việt Nam do Hiệp hội hồ tiêu bình chọn có tới 6 người ở Lộc Ninh. Đây là niềm tự hào không chỉ của các nông dân mà của cả tỉnh Bình Phước, bởi họ là những nhân tố tích cực làm nên danh tiếng cho sản phẩm hồ tiêu Lộc Ninh nói riêng, Bình Phước nói chung. Ông Trần Văn Điệp (một trong những nông dân trồng tiêu giỏi nhất của Việt Nam, với 15 năm trong nghề) cho biết: trồng tiêu không khó, nhưng không phải ai cũng thành công, bởi cây tiêu đòi hỏi cao về thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc. Ông cũng cho rằng, với nhiều nông dân, để có thể yên tâm gắn bó với loài cây này, từng bước hiện đại hóa trong sản xuất thì phải có động lực. Động lực ở đây là giá cả ổn định, đi đôi với thương hiệu hồ tiêu được tạo dựng. Đây cũng là mong muốn chính đáng của những người tâm huyết với cây tiêu. Bởi lẽ lâu nay, nhiều nông dân trồng tiêu ở Lộc Ninh không thôi trăn trở khi sản phẩm họ làm ra dù được tiêu thụ khắp thế giới nhưng do không có thương hiệu nên không được nhiều người biết tới, giá bán cũng thấp hơn. Họ ngậm ngùi khi tiêu sản xuất tại Lộc Ninh nhưng việc tiêu thụ lại phải qua nhiều khâu trung gian hoặc phải sử dụng thương hiệu của đối tác. Xây dựng thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh Trước thực tế đó, theo chủ trương của UBND tỉnh, tháng 3.2012, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (UBND tỉnh Bình Phước) phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước) đã triển khai đề án: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh - Bình Phước. Theo đó, các đơn vị đã tiến hành triển khai đồng bộ các bước đi quan trọng để xây dựng thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh như: điều tra thu thập thông tin, xác định tổ chức đứng tên đăng ký nhãn hiệu tập thể; lựa chọn nhãn hiệu tập thể Hồ tiêu Lộc Ninh. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng tiến hành tập huấn về Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, điều kiện về sử dụng nhãn hiệu tập thể, các tiêu chuẩn để sản phẩm hạt tiêu được mang nhãn hiệu tập thể, cách quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể; về quyền và nghĩa vụ của Hội Nông dân huyện Lộc Ninh, tổ chức và cá nhân sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đầu năm 2013, Hội Nông dân Lộc Ninh đã gửi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh - Bình Phước” đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để đề nghị công nhận. Hội cũng đã thành lập Ban vận động và trực tiếp khảo sát, gặp gỡ 16 hộ trồng tiêu giỏi để đưa vào danh sách ban đầu đăng ký sử dụng nhãn hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh. Một thuận lợi để xây dựng thương hiệu Hồ tiêu Lộc Ninh là từ năm 2011, UBND tỉnh Bình Phước đã cho triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” trên địa bàn tỉnh. Dự án nhằm phát triển mô hình canh tác cây tiêu bền vững theo các tiêu chuẩn chứng nhận của Rainforest Alliance cho các hộ trồng tiêu ở 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp; đồng thời kết nối với thị trường quốc tế thông qua Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice. Tính đến nay, có hơn 200 hộ dân trồng tiêu của 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp tham gia Dự án đã được cấp chứng nhận Rainforest Alliance. Với sự cố gắng của các cơ quan liên quan và của chính những người trồng tiêu Lộc Ninh, ngày 25.3.2014 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh Bình Phước” cho Hội Nông dân huyện Lộc Ninh. Đây được đánh giá là bước ngoặt của người trồng tiêu trên địa bàn huyện. Từ kinh nghiệm thành công sau khi xây dựng nhãn hiệu cho các loại hàng hóa nông sản trước đó, Bình Phước nói chung và người trồng tiêu Lộc Ninh nói riêng tin tưởng rằng, việc sản phẩm tiêu Lộc Ninh được cấp nhãn hiệu tập thể sẽ góp phần nâng cao giá trị, danh tiếng cho sản phẩm; nâng cao chất lượng nông sản và thu nhập của nông dân; giúp việc xúc tiến thương mại hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; bảo tồn các giống tiêu truyền thống có chất lượng và đặc trưng riêng của huyện, tạo thế đứng bền vững cho hồ tiêu Lộc Ninh - Bình Phước trong nước cũng như trên thị trường thế giới.
Tác giả bài viết: Lê Hữu Hoà, Đoàn Thanh Hải, Trương Ích Đức, Trịnh Kiều Dung
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây