Cơ hội cho ngành mộc mỹ nghệ tỉnh Bình Phước

Thứ tư - 07/08/2013 08:10 1.472 0
Trước nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội, cùng với việc bảo tồn phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc, những năm qua trong mỗi gia đình người Việt Nam đều có những sản phẩm của ngành mộc mỹ nghệ. Những sản phẩm này đều gắn bó với mỗi chủ nhân và trở thành vật phẩm thiêng liêng có giá trị về tinh thần, về kinh tế trong mỗi hộ gia đình. Chính vì vậy, ngành mộc mỹ nghệ truyền thống ngày càng phát triển và khẳng định vị thế trong đời sống xã hội.
Điều kiện địa lý, kinh tế xã hội, văn hóa vùng miền thuận lợi cho phát triển ngành mộc mỹ nghệ Như chúng ta đã biết, Bình Phước có vị trí địa lý tương đối thuận tiện, tiếp giáp với vùng Tây nguyên và nước bạn Campuchia. Có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện, tài nguyên đa dạng phong phú, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là những lợi thế để Bình Phước thúc đẩy phát triển công nghiệp nói chung và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nói riêng. Với 41 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, đồng thời khi đến sinh sống tại Bình Phước, với sự ưu đãi của thiên nhiên cùng với mỗi nét văn hóa truyền thống của các dân tộc, các nghề truyền thống đều được các dân tộc phát huy, trong đó có nghề mộc mỹ nghệ, đây cũng là nét đặc trưng riêng của ngành mộc mỹ nghệ tỉnh Bình Phước đã phát triển từ rất lâu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành chỉ thực sự đạt được trong 5 năm gần đây. Sự phát triển của ngành gỗ mỹ nghệ đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà: thu nhập ở các vùng tăng lên; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động; góp phần hình thành các nhà sản xuất, kinh doanh và dịch vụ liên quan đến ngành này. Các chính sách của địa phương, Nhà nước góp phần đẩy mạnh ngành mộc mỹ nghệ phát triển Theo kết quả khảo sát hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.360 doanh nghiệp, cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất và kinh doanh ngành mộc mỹ nghệ gia dụng. Trong đó chỉ có 727 cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn lại chưa đăng ký doanh là 633 cơ sở. Trong 6 tháng đầu năm 2013 mặt hàng gỗ của Bình Phước đã xuất được 1.141,59m3, chủ yếu là thanh gỗ, phôi và gỗ xẻ, đạt trên 1 triệu USD. Để tạo điều kiện cho bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến sự phát triển các ngành nghề truyền thống. UBND tỉnh đã cụ thể hóa các chính sách bằng các văn bản như: Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 22/06/2009 của UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt Chương trình Khuyến công tỉnh Bình Phước giai đoạn 2009-2012; Quyết định số 05/2010/QĐ-UBND ngày 03/02/2010 về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nghề nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 3012/QĐ-UBND, ngày 28/12/2010 của UBND tỉnh Bình Phước về việc Phê duyệt quy hoạch ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quyết định số 42/2011/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước ban hành về chính sách và ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các sở ngành, địa phương đã triển khai thực hiện các chính sách: Xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, thị trường, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong tỉnh, trong và ngoài nước; Thực hiện hỗ trợ về đăng ký thương hiệu sản phẩm, tổ chức hội thi bình chọn hàng công nghiệp tiêu biểu của tỉnh; khuyến khích phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn. Đã triển khai các đề án đào tạo nghề, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như xử lý môi trường. Chính từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực cũng như niềm đam mê của các doanh nghiệp, cơ sở, của các nghệ nhân về ngành nghề truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa của các dân tộc, cho nên ngành mộc mỹ nghệ trong thời gian qua đã có những chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Phát triển ngành mộc mỹ nghệ có ý nghĩa lớn về mặt xã hội Sản xuất mặt hàng mộc mỹ nghệ tiết kiệm, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu. Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của tỉnh không chỉ có chất lượng mà còn phong phú về mẫu mã và chủng loại sản phẩm phục vụ cho mọi nhu cầu của cuộc sống. Với óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của nghệ nhân và các người thợ, từ những gốc rễ cây trước đây là bỏ đi thì nay đã trở thành những sản phẩm có giá trị sử dụng cao. Các sản phẩm chủ yếu làm bằng thủ công và từ nguyên liệu gỗ thiên nhiên cho nên đáp ứng nhu cầu về sử dụng dễ bảo quản, bền, đẹp với thời gian. Bên cạnh những đóng góp cho xã hội về mặt sản phẩm, tạo ra nguồn thu nhập ngoại tệ cho nền kinh tế của đất nước, các cơ sở chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu đang tạo việc làm cho lao động ở các vùng nông thôn của tỉnh. Mặt khác, sự phát triển công nghiệp chế biến gỗ còn có tác dụng thúc đẩy hàng triệu hộ gia đình nông dân nghèo ở vùng nông thôn miền núi của nước ta phát triển trồng rừng để cải thiện thu nhập. Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, ngành nghề truyền thống này đã phát triển thành ngành công nghiệp sản xuất và chế biến gỗ. Sản phẩm của ngành là mặt hàng xuất khẩu mang nhiều nét đặc trưng độc đáo của nền văn hóa dân tộc, do vậy nó cũng là thông điệp giới thiệu cho bạn bè trong và ngoài nước về văn hóa bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu của còn đem lại giá trị ngoại tệ rất lớn, tạo việc làm thu nhập cho người dân góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo tồn nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Chiến- PCCT Chi cục Lâm nghiệp
Nguồn tin: nguoichannuoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây