Ngành Chế biến gỗ Bình Phước – thực trạng và cơ hội
Cao Xuân Hưng
2014-06-10T04:51:38-04:00
2014-06-10T04:51:38-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-dia-phuong/Nganh-Che-bien-go-Binh-Phuoc-thuc-trang-va-co-hoi-648.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2014_06/new-picture-11.png
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Thực trạng ngành chế biến gỗ Bình Phước
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại tỉnh Bình Phước mọc lên như nấm. Có hơn 500 cơ sở được các ngành chức năng cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngành nghề khai thác, chế biến gỗ giai đoạn từ năm 2008 – 2013.
Các cơ sở hình thành là do nguồn nguyên liệu dồi dào từ chương trình chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su tại nguồn các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Đến nay, qua rà soát sơ bộ, chỉ còn có hơn 300 cơ sở là thực sự hoạt động, số còn lại chủ yếu đăng ký trên giấy hoặc đã chấm dứt hoạt động. Đa số cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Thị trường các sản phẩm chế biến từ gỗ rất đa dạng nhưng chủ yếu là 3 loại mặt hàng chính. Đầu tiên là mặt hàng đồ gỗ nội thất. Đây có lẽ là thị trường có đông đảo các hộ gia đình tham gia kinh doanh nhất. Nguyên liệu sử dụng chủ yếu là nguyên liệu nhập từ các tỉnh như Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông và cả Campuchia. Nguyên liệu ở đây cũng đa dạng từ gỗ nhóm như Bằng lăng, Cẩm lai, Hương, Gõ đỏ... đến gỗ bình dân hơn như Mít nài, Muồng đen, Dái ngựa... Vì thế các sản phẩm cũng đa dạng không kém. Từ đồ nội thất như giường, tủ, bàn, ghế... đến những bộ Salon đắt tiền hay đơn giản như cặp lục bình, tượng phật quan âm, la hán...Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay thực hiện Chỉ thị số 1685 của Thủ tướng Chính phủ tạm dừng chuyển đổi rừng sang trồng cao su (chỉ ưu tiên cho các chương trình cấp đất) nên các cơ sở chế biến đói nguyên liệu và số lượng cơ sở giảm dần. Thứ hai là mặt hàng gỗ nguyên liệu, ván dăm. Đứng đầu trong việc xuất khẩu mặt hàng này là Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha do liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dongwha của Hàn Quốc. Nhà máy với công suất 1.000 m3/ngày và 300.000 m3/năm. Bên cạnh đó còn có Nhà máy Kim tín MDF với công suất 160.000 m3/năm. Thức ba là mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu. Đây là thị trường với rất ít doanh nghiệp tham gia được bởi ngoài việc tìm được đối tác tiêu thụ ổn định (chủ yếu là xuất khẩu) thì còn phải có nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho các đơn hàng lâu dài. Đi đầu trong thị trường này là Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty Cổ phần Nguyên Vũ tại Khu Công nghiệp Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Bên cạnh đó còn có một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần gỗ Đồng Phú, Nhà máy Chế biến gỗ Thuận An thuộc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An. Cơ hội đến từ chính sách vĩ mô Ngày 05/5/2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 919/QĐ-BNN-TCLN Phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ chế biến giai đoạn 2014 – 2020. Với mục tiêu tập trung chế biến các sản phẩm đạt giá trị cao và có ưu thế cạnh tranh trên thị trường thế giới như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ gỗ mỹ nghệ và hạn chế xuất thô các sản phẩm có giá trị thấp, tiêu tốn nhiều nguyên liệu đặc biệt là dăm gỗ. Bởi theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi xuất thô chiếm 62% khối lượng (chủ yếu là dăm gỗ) nhưng chỉ chiếm 17% giá trị kim ngạch. Cụ thể, giá trị sản xuất của một tấn dăm gỗ chỉ đạt bình quân từ 63-65 USD tấn/m3 nguyên liệu, trong khi đó nếu sử dụng để sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và các sản phẩm mộc thì giá trị có thể đạt tới 550 – 600 USD tấn/m3 nguyên liệu. Tính bình quân 01 tấn nguyên liệu sản xuất đồ mộc có giá trị gấp 4 – 5 lần dăm gỗ xuất khẩu. Vì vậy, một loạt các giải pháp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhằm đạt mục tiêu của Kế hoạch. Về công tác quản lý: tập trung xây dựng và thực hiện quản lý rừng bền vững, đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ rừng cho các chủ rừng. Về công nghệ: nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao phục vụ xuất khẩu; tìm kiếm công nghệ sản xuất một số nguyên liệu phụ trợ để hạn chế nhập khẩu. Về chính sách: đáng chú ý là chính sách về hỗ trợ đầu tư và tín dụng, hỗ trợ cho việc cấp chứng chỉ rừng cho người dân là 200.000 đ/ha. Chính sách liên kết giữa người trồng rừng với cơ sở chế biến theo mô hình khép kín, người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách. Bên cạnh đó các doanh nghiệp chế biến còn được hưởng ưu đãi về thuế, đặc biệt các doanh nghiệp chế biến ván sợi MDF được hưởng chế độ vay trung hạn, nếu xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% (hiện nay là 5%); giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm gỗ đồ mộc, tăng thuế xuất khẩu đối với dăm gỗ. Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ khác như: cơ chế hỗ trợ ban đầu về kinh phí cho doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu triển khai chuỗi hành trình sản phẩm CoC và thực hiện các quy định, các rào cản mới của thị trường quốc tế; tổ chức diễn đàn doanh nghiệp về đối thoại chính sách trong chế biến gỗ xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nhằm đề xuất các chính sách phù hợp. Như vậy, ngành chế biến gỗ Bình Phước với thế mạnh là diện tích rừng cây đa mục đích (cao su, điều) chiếm diện tích hơn 300.000 ha hứa hẹn sẽ là nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến. Những chính sách của Nhà nước tại Quyết định số 919/QĐ-BNN-TCLN sẽ tạo sức bật cho các cơ sở chế biến gỗ vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, phải có các giải pháp toàn diện, đồng bộ để các doanh nghiệp sớm tiếp cận được chính sách ưu đãi. Đẩy mạnh nhập khẩu máy móc tiên tiến, hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng rừng.
Tác giả bài viết: Cao Xuân Hưng
Nguồn tin: nguoichannuoi.vn