Bình Phước: Căng mình ứng phó nắng hạn

Thứ hai - 25/03/2024 02:50 241 0
Nắng nóng kéo dài từ tháng 12-2023 đến tháng 4-2024 vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng. Khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày từ 12h00 đến 16h00, nhiệt độ giao động từ 350C-370C, có nơi trên 370C. Nguồn nước ở các hồ thủy lợi, ao, sông suối khắp nơi trong tỉnh bị khô cạn, ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và đời sống sinh hoạt của nông dân. Tình trạng thiếu nước tưới đã khiến các loại cây trồng như bưởi, sầu riêng, cà phê bị khô bông, rụng trái. Nhiều nơi, người dân phải mua nước sinh hoạt. Tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài và được cảnh báo ở cấp khắc nghiệt và rất khắc nhiệt.
BÀI 1
THỰC TRẠNG THIẾU NƯỚC VÀ NHỮNG HỆ QUẢ

Bình Phước có tổng diện tích mặt nước khoảng trên 28.300 ha. Trong đó, diện tích mặt nước trên các sông, suối, kênh, rạch gần 7.200 ha, còn lại là ao, hồ. Là tỉnh có địa thế cao nên Bình Phước khó tích trữ nước, trong khi nắng hạn lên tới 350C-370C khiến tỷ lệ nước bốc hơi càng cao. Theo tính toán của ngành chức năng, mỗi ngày nắng nóng trên địa bàn tỉnh sẽ làm bốc hơi khoảng 164.000m3, khiến nguồn nước càng cạn kiệt. 
CÂY KHÔ VÌ THIẾU NƯỚC
Hơn 1 tháng qua, ao chứa nước tưới cây của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Quyên, ấp Nam Đô, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú đã cạn trơ đáy. Toàn bộ diện tích 2 ha sầu riêng đối mặt với nắng hạn khiến gia đình hết sức lo lắng. Bà Quyên cho biết: “Ao nhà có dung tích khoảng 2.500 khối nước, hàng năm đáp ứng tốt nhu cầu tưới cho sầu riêng và các diện tích khác của gia đình. Tuy nhiên, đến đầu tháng 2-2024, mực nước cạn không thể bơm hàng ngày mà phải đợi khoảng 2-3 ngày sau, chờ mạch nước dồn về mới tiếp tục bơm được, nhưng chỉ vài phút lại cạn”. Bà Quyên tới từng gốc sầu riêng nhặt những chùm hoa và trái non đã bị rụng, khô, tâm trạng xót xa, bà nói: “Năm ngoái sầu riêng cho thu bói. Vì muốn cây có sức cho vụ này nên gia đình vặt hết bông. Đầu vụ này, cây nào cũng sum xuê, hoa từng chùm dày đặc gia đình rất phấn khởi. Không ngờ nắng hạn kéo dài, cây kiệt sức, gần như 100% hoa trái đã rụng hết. Nhiều cây lá đã ngả đều sang màu vàng, những cành nhỏ đã khô vỏ, khô ngọn”. Bà Quyên cho biết thêm: “Hàng năm khu vực này nắng hạn rất gay gắt. Nắng cháy cỏ, nứt đất. Nắng cạn giếng khoan, khô giếng đào. Năm ngoái, gia đình tôi khoan 3 giếng sâu trên 100m, nhưng không có nước, do vậy phải móc ao. Tuy nhiên, nay ao cũng cạn gia đình chưa biết phải làm gì, nếu không có mưa, chắc chắn cây sẽ chết”. 
Từ đầu tháng 2, ao nước của giao đình bà Quyên (trái) đã cạn, phải dồn vài ngày mới bơm một lần, nhưng cũng chỉ được vài phút là cạn
Bà Quyên (phải) xót xa nhặt từng trái sầu riêng non bị rụng vì thiếu nước
Cách nhà bà Quyên khoảng 300m, gia đình ông Nguyễn Hoàng Lâm cũng lo lắng không kém. Ao của gia đình ông Lâm cạnh con suối nhỏ. Từ đầu tháng 2-2024, ông Lâm đã phải chặn đá, phủ bạt ngăn dòng suối cho nước chảy vào ao. Nước vào được bao nhiêu, ông bơm tăng bo lên vườn cà phê và bưởi da xanh đến đó. Tuy nhiên, vì lượng nước quá ít nên hầu hết hoa cà phê bị cháy khô, không thể đậu quả. Nhiều cây đã héo lá, khô cành chết dần. Tương tự, vì thiếu nước tưới nên vườn bưởi da xanh cũng không còn sức sống. Những trái bưởi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch cứ lần lượt rụng xuống mặt đất khiến ông chua xót. Bà Đồng Thị Hồng Quyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước, huyện Đồng Phú cho biết: Qua khảo sát nắm thực trạng toàn xã, tình hình nắng hạn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, hội đã tuyên truyền bà con khơi ao, nạo vét giếng tận dụng nguồn nước tưới để cứu cây trồng. Nhiều bà con ở khu vực xa trung tâm đề nghị ngân hàng có chính sách hỗ trợ vốn vay để bà con chủ động hạ thế lưới điện, khoan giếng, đào ao chứa nước và các biện pháp phù hợp để đáp ưng nhu cầu tưới cây mùa khô cho những năm tiếp theo”.
Ông Lâm buồn rầu vì nhiều cây cà phê đã chết
Hàng ngày, ông Lâm phải chặn dòng suối cho nước vào ao để bơm lên vườn nhưng suối cũng đã cạn
ĐẦU TƯ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI THEO QUY HOẠCH
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh Bình Phước có 76 công trình thủy lợi. Trong đó, có 65 hồ chứa, 9 đập dâng, 1 trạm bơm và 1 hệ thống kênh thủy lợi đang vận hành khai thác. Năng lực thiết kế tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp là 9.286 ha. Báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Phước ngày 15-3 cho biết: Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nắng nóng, nhiệt độ dao động từ 350C-370C. Hiện mực nước tại các hồ đang tiếp tục xuống thấp so với mực nước dâng bình thường. Trong đó, hồ Bù Ka, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng giảm 2,5m. Các hồ Đắk Tol, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long; hồ An Khương, xã An Khương, huyện Hớn Quản; hồ Bình Hà, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập đều giảm 1,8m. Dung tích còn lại của các hồ giảm 28% so với tổng dung tích các hồ chứa. Đặc biệt hồ M26, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp dung tích còn lại 11%, hồ Bù Ka còn 13%, hồ Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh còn 40%. Trong khi đó, mực nước các công trình thủy điện trên Sông Bé, như Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-3m. 
Ông Hoàng Mạnh Thường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết: Trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 4766/UBND-KT ngày 29-12-2023 đề nghị triển khai các biện pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2024. Ngày 22-2-2024, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Công văn số 638/UBND-KT yêu cầu các sở ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 2 và 3-2024, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.190 hộ thiếu nước sinh hoạt, trên 7.866 ha cây trồng thiếu nước gây thiệt hại. Trong đó, nắng nóng gây thiếu nước và thiệt hại cây trồng nhiều nhất tại các xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập; xã Thọ Sơn, Bom Bo, huyện Bù Đăng, một số xã của huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú và thị xã Bình Long. Trước thực trạng hạn hán, Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã đã kiến nghị các giải pháp nhằm chống hạn. Trong đó, nhiều đơn vị đề nghị nạo vét hệ thống suối trên địa bàn, cải tạo các hồ chứa, nâng công suất cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và hỗ trợ kinh phí để bà con khoan giếng. 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND cấp huyện phối hợp Công ty TNHH MTV Dịch vụ Thủy lợi Bình Phước, các trạm dịch vụ thủy lợi trên địa bàn xây dựng kế hoạch, lịch xả nước phục vụ tưới cho diện tích cây công nghiệp. Thông báo chính quyền cấp xã về lịch điều tiết nước để nhân dân chủ động trong sản xuất. Đối với kiến nghị của các huyện, thị xã thành phố trong tỉnh về việc cải tạo các hồ chứa, nâng công suất các trạm cấp nước cho nhân dân… chúng tôi đã tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở đó sẽ tham mưu các giải pháp, chuẩn bị nguồn vốn và các điều kiện cần thiết khác để đầu tư có bài bản theo đúng kế hoạch và quy hoạch. 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước HOÀNG MẠNH THƯỜNG
 
Nguồn tin: Theo Báo điện tử Bình Phước:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây