Kinh nghiệm phòng trừ sâu đục trái bưởi

Thứ ba - 18/10/2022 21:59 2.468 0
Bưởi da xanh là một loại cây ăn trái đã và đang đem lại thu nhập cao cho người nông dân, tuy nhiên một vài năm trở lại đây, khi cây bắt đầu cho trái hay bị sâu đục trái gây hại làm giảm năng suất và giá trị thương phẩm. Sâu đục trái là một trong những dịch hại chính trên các loại cây trồng ăn trái, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng trái. Sâu đục trái là loại sâu rất khó phát hiện, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ rất khó xử lý và làm thiệt hại về năng suất, chất lượng trái.
Sâu đục trái bưởi có tên khoa học là là Citripestis sagittiferella thuộc họ Pyralidae, bộ Lepidoptera. Đây là một đối tượng dịch hại mới đe dọa các vườn cây có múi hiện nay, làm rụng trái, gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng trái.
Sâu đục trái trưởng thành là một loài ngài có kích thước nhỏ (10-12mm), thân mảnh, màu nâu đậm đến xám nâu. Vòng đời của sâu đục trái khoảng 23-30 ngày. Con cái đẻ trứng vào ban đêm, trứng đẻ thành từng ổ trên bề mặt vỏ trái, mỗi ổ 3-18 trứng, thời gian ủ trứng 4-7 ngày. Sau khi nở 1-2 giờ sâu non đục vỏ trái chui vào bên trong để ăn phá phần thịt trái. Sâu tấn công và gây hại từ lúc trái còn rất nhỏ (trái bằng ngón tay cái) đến trái lớn, sắp thu hoạch và thiệt hại nặng nhất vào lúc trái sắp thu hoạch. Khi sâu non đục vào trái bưởi tạo thành những đường hầm, đẩy phân ra ngoài và có thể thấy nhựa tiết ra; làm cho trái đang phát triển sẽ bị rụng sớm, trái trưởng thành dễ bị thối do bội nhiễm và cũng có thể bị rụng trước thu hoạch, những trái chưa rụng cũng có chất lượng kém. Do vậy, để hạn chế được các loài sâu hại trên trái bưởi hiện nay nên áp dụng một số biện pháp quản lý tổng hợp như sau : 
- Thường xuyên thăm vườn thu gom tất cả các trái bị sâu đục rụng xuống đất hay còn trên cây, sau đó đem tiêu huỷ bằng cách đào hố chôn, rải vôi hoặc cho vào bao nylon cột kín lại để diệt sâu còn ở bên trong trái. Đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế sự phát triển và lây lan của sâu.
- Cắt tỉa nhánh sau thu hoạch để vườn thông thoáng, làm cỏ, dọn sạch rác mục dưới gốc cho sâu không có nơi làm nhộng.
- Sử dụng bao nylon bao trái khi trái được 1 tháng tuổi, một tuần sau khi bao trái nên mở bao kiểm tra có xuất hiện các vết đục hay không nếu có nên loại bỏ.
- Khi cây bưởi vào giai đoạn cho trái, thường xuyên thăm vườn để phát hiện ngài trưởng thành bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu non mới gây hại. Vào giai đoạn bưởi mới có trái non có thể phun xịt 2 -3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày các loại thuốc có hoạt chất như Abamectin... Phun thuốc trên tán, tập trung vào các khu vực có hoa và trái.

Cần lưu ý là hiệu quả của thuốc phụ thuộc vào giai đoạn phát triển và vị trí của sâu trong trái. Phun thuốc muộn hiệu quả phòng trừ sẽ giảm do sâu ít chết hơn. Thêm vào đó, phun quá muộn khi trái đã bị sâu hại đặc biệt hại đến phần thịt trái sẽ làm giảm phẩm chất trái. Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly ít nhất 14 ngày trước thu họach để không ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng.
Tác giả bài viết: Mai Hưng
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây