Thay mặt Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước, PGĐ Sở Trần Văn Phương đã giới thiệu tổng quan về ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Phước, theo đó: Tổng diện tích đất tự nhiên 687.355 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 89,48%, đất trồng trọt giàu dinh dưỡng, tầng canh tác dày, khí hậu thích hợp để trồng nhiều loại cây ăn quả và rau màu; các cây công nghiệp lâu năm như cao su, điều, hồ tiêu. Chăn nuôi phát triển theo quy mô lớn, tập trung, công nghiệp, gắn chuỗi giá trị…Có nhiều ao, hồ chứa thủy điện và thủy lợi thuận lợi để nuôi trồng, khai thác thủy sản lớn. Về phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Diện tích quy hoạch các khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là 2.374 ha, diện tích đã đưa vào sản xuất là 1.643 ha thực hiện các dự án trồng chuối xuất khẩu, được chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ của các nước với giống chuối chủ yếu là Cavendish (nuôi cấy mô), sản lượng 50 tấn/vụ/ha, mỗi năm thu hoạch 1,5 vụ, chuối chủ yếu được xuất khẩu đi Trung Quốc. Ngoài ra, còn có diện tích bên ngoài các Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Sản xuất nhà lưới, nhà màng lắp đặt hệ thống tưới tự động. Về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ: áp dụng trên một số cây trồng chính, gổm điều, hồ tiêu và cây ăn trái.
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hữu cơ trong phát triển sản xuất nông nghiệp như: Chọn giống chống chịu với các điều kiện khó khăn hạn, ngập lụt; kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước; các giải pháp sinh thái phòng trừ các dịch bệnh mới; các công nghệ vi sinh vật làm phân hữu cơ và xử lý chất thải trong môi trường nông thôn; công nghệ chính xác và công nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh; quản trị chất lượng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; cơ chế phân chia lợi ích và rủi ro trong liên kết đảm bảo sự tham gia hưởng lợi của hộ nông dân trong chuỗi giá trị; khuyến nông số; truy xuất nguồn gốc số… Kết quả cụ thể như: Ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá; Ứng dụng khoa học công nghệ trong thu hoạch, bảo quản nông sản phẩm; Thực hiện thí điểm ứng dụng các thiết bị thông minh vào sản xuất nông nghiệp.
Đến nay toàn tỉnh có 03/11 huyện, thị, thành phố là: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long; có 66/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó có 12 xã đạt chẩn nông thôn mới nâng cao.
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình Đinh Vĩnh Thụy đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại tỉnh Bình Phước và những chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Bình Phước. Ông Thụy cho rằng với nhiều giải pháp và cách làm hiệu quả trong lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đạt được kết quả cao trong thời gian tới. Đây cũng là kinh nghiệm hay để Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình học tập, nghiên cứu, áp dụng trong thực tế về triển khai thực hiện tại địa phương.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn Công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Bình đã đến tham quan, xây dựng nông thôn mới, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại xã Tân Lập (nông thôn mới nâng cao), huyện Đồng Phú.
PGĐ Sở Trần Văn Phương cùng Đoàn Công tác SNN và PTNT Thái Bình tham
quan mô hình tại HTX Thành Phương xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước