Bàn giải pháp phát triển cây điều

Chủ nhật - 15/06/2014 23:36 641 0
Ngày 12/6/2014, tại Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị bản giải pháp phát triển cây điều. Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp và người trồng điều trong cả nước dự hội nghị và chia sẻ những giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành điều.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, hiện nay diện tích điều trên cả nước đạt khoảng 400.000 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ; sản lượng điều hàng năm đạt khoảng 400.000 tấn hạt thô. Với sản lượng điều như hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất của hơn 1.000 cơ sở chế biến hạt điều trong nước. Ông Thanh cho rằng, bên cạnh giá trị kinh tế, cây điều còn được coi là cây xoá đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, là cây trồng được người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc lựa chọn làm cây trồng chính. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, mặc dù ngành điều và người trồng điều đang gặp rất nhiều khó khăn do nhiều yếu tố tác động, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu hạt điều năm 2013 vẫn đạt 1,8 tỷ US D. Nhờ duy trì được nhịp độ tăng trưởng, do đó ngành điều Việt Nam 8 năm liên tiếp vẫn giữ vững vị trí xuất khẩu điều nhân đứng đầu thế giới. Thị trường hạt điều của Việt Nam chủ yếu xuất vào Mỹ (chiếm 30%), Trung Quốc (25%), EU (25%) và các quốc gia khác. Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng ngành điều hiện đang đối mặt với những khó khăn thách thức lớn do diện tích điều tiếp tục bị thu hẹp; thiếu một cơ chế chính sách phù hợp làm cho nông dân trồng điều không tiếp cận được vốn, doanh nghiệp không có điều kiện gắn với vùng nguyên liệu, gắn với nông dân; sản phẩm hạt điều chưa đa dạng, xuất khẩu chủ yếu là nhân thô, sản phẩm chế biến có giá trị tăng cao còn ít; ngành công nghiệp chế biến điều phát triển nhanh nhưng thiếu chiều sâu, tổ chức sản xuất manh mún. Một nguyên nhân khác mà các đại biểu cho rằng tác động khá lớn đến ngành điều đó là việc đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật thương mại, những quy định về nhập khẩu điều ngày càng nghiêm ngặt của các quốc gia có thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU… Để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, Hiệp hội Điều Việt Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ và thông qua đề án tái cơ cấu, phát triển sản xuất điều bền vững đến năm 2020; kiến nghị cần có cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho ngành điều và áp dụng các chính sách hỗ trợ xuất khẩu điều; tổ chức thí điểm cho ngành điều vay theo chuỗi sản xuất nhằm tăng cường trách nhiệm và sự gắn kết giữa doanh nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu điều; đẩy nhanh công tác đàm phán sớm ký kết Hiệp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP và các hiệp định thương mại tự do khác để ngành điều có thể tiếp cận được các thị trường. Một số đại biểu cho rằng, để ngành điều phát triển bền vững và mang lại giá trị tăng cao, thì giải pháp trước mắt và lâu dài là tổ chức lại sản xuất, mạnh dạn cải tạo các vườn điều, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu giống, đến chăm sóc, thu hoạch bảo quản và chế biến. Để thực hiện được việc đó thì Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cây giống, hỗ trợ lãi suất ưu đãi để người dân mạnh dạn chuyển đổi và áp dụng. Song song đó, cơ quan chức năng cần thực hiện ban hành giá sàn sản phẩm thu mua hạt điều hàng năm để làm căn cứ cho các doanh nghiệp thu mua, tránh tình trạng được mùa thì mất giá, được giá mất mùa như hiện nay; cần thiết thành lập một quỹ bảo hiểm rủi ro ngành điều bằng hình thức huy động các nguồn như, Nhà nước hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp điều và các nguồn đóng góp khác… Cũng tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT đã ra mắt Ban Chỉ đạo phát triển bền vững điều do ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm trưởng ban./.
Tác giả bài viết: TTXVN
Nguồn tin: Văn phòng điều phối NTM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây