Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Thứ tư - 04/10/2023 21:50 333 0
Ngày 04/10/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Kết luận số 1078-KL/TU về quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó kết luận Đề án để triển khai Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và cụ thể hóa quan điểm Lâm nghiệp là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản. Sau đây xin giới thiệu các nội dung của Kết luận đến bạn đọc.
1. Về quan điểm
Rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp.
Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên cơ sở đảm bảo các chức năng của khu rừng, gắn liền các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế của địa phương. Bảo tồn hệ sinh thái rừng gắn với việc sử dụng tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng một cách hợp lý là cơ sở để tổ chức khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường bền vững. Các chương trình, hoạt động du lịch hợp lý, không vượt quá khả năng chịu tải của hệ sinh thái. Kiến trúc của các công trình xây dựng cần hài hòa với cảnh quan rừng, tránh xây dựng các công trình kiên cố với quy mô lớn gây mất rừng, không làm đảo lộn cảnh quan tự nhiên của khu rừng.
Tăng cường sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng dân cư địa phương vào các hoạt động du lịch sinh thái. Phát triển dựa trên cơ sở nguồn lực về tài nguyên, cảnh quan, nhân lực và tài chính của các đơn vị chủ rừng nhưng cần tăng cường liên doanh, liên kết, để phát huy nguồn lực về tài chính và kinh nghiệm của các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước.
Về mục tiêu
* Mục tiêu tổng quát
Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng; góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Cung cấp các sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, học tập, tham quan, nghiên cứu khoa học, góp phần giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường. Chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương. Tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
* Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu đến năm 2025
Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có được bảo vệ nghiêm ngặt; từng bước giải quyết, xử lý dứt điểm diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên bằng các biện pháp lâm sinh; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng.
Giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020. Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 71,7% (tỷ lệ che phủ của rừng là 22,8% và tỷ lệ che phủ của cây lâu năm là 48,9%).
100% các Ban quản lý rừng có tiềm năng về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí hoàn thành việc lập Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng. Thông qua các hình thức tự tổ chức thực hiện, liên doanh, liên kết và cho thuê môi trường rừng để kêu gọi/chuẩn bị đầu tư được 7 dự án đầu tư về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí. Kết nối/lồng ghép các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước.
- Mục tiêu đến năm 2030
Tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên bằng các biện pháp lâm sinh.
Giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2,0 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020. Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm khoảng 65% (tỷ lệ che phủ của rừng khoảng 21% và tỷ lệ che phủ của cây lâu năm khoảng 44%).
Tiếp tục triển khai có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững tại 100% các đơn vị chủ rừng. Xúc tiến, kêu gọi đầu tư được 12 dự án về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao.
Về nhiệm vụ và giải pháp: bao gồm 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất: Triển khai đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch, đề án
Trên cơ sở quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng; đối với những diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác phải thực hiện nghiêm theo quy định tại Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư và Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2023 của Chính phủ. Quy hoạch phát triển rừng trồng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh, chức năng của các khu rừng. Rà soát, thống nhất trên bản đồ và thực địa giữa các ngành trong tỉnh đối với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp đến năm 2030 theo chỉ tiêu phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ;
Xây dựng đề án, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các đơn vị chủ rừng nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng về cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa để kêu gọi đầu tư bằng các nguồn lực xã hội.
Thứ hai: Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng
Kiện toàn lại tổ chức, bộ máy hệ thống chủ rừng phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và của tỉnh theo hướng: Sắp xếp các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; chuyển giao diện tích đất lâm nghiệp các Hạt Kiểm lâm đang quản lý về cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế về công tác quản lý, bảo vệ rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Kiên quyết bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao chất lượng rừng thông qua các biện pháp lâm sinh; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng.
Đối với các đơn vị tổ chức các hoạt động du lịch phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về quản lý rừng và các quy định liên quan trong suốt quá trình triển khai. Ứng dụng công nghệ số, phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành và chuyển đổi số trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đẩy mạnh trồng rừng vùng bán ngập, rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng lại rừng sau khai thác, trồng cây phân tán, lựa chọn các loài cây bản địa, cây đặc hữu để trồng bổ sung; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.
Xây dựng các phương án bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc khai thác, sử dụng bền vững lâm sản ngoài gỗ. Khai thác có hiệu quả các giá trị của rừng thông qua các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Thứ ba: Bảo vệ môi trường
Quản lý chặt chẽ, hạn chế tác động môi trường khi triển khai thực hiện các dự án, mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm với phát triển du lịch. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tuân thủ các quy định, quy chế giữ gìn vệ sinh môi trường, thải bỏ chất thải đúng nơi quy định, hạn chế phát sinh chất thải nhựa, giữ gìn vệ sinh công cộng, không xâm hại cảnh quan môi trường và các loài sinh vật rừng.
Thứ tư: Huy động các nguồn lực để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch
Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài; gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc, biên giới, nhất là cho người dân làm nghề rừng. Huy động các nguồn vốn hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Thứ 5: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm về công tác giữ rừng nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của lực lượng tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ ngành lâm nghiệp có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cao, tâm huyết với nghề. Hoàn thiện và củng cố các phòng/trung tâm về cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái tại các đơn vị chủ rừng. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp và nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, nguồn nhân lực địa phương.
Thứ sáu: Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư
Tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái theo các quy định của Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông quan tại các cửa khẩu, thủ tục xuất nhập cảnh đối với khách quốc tế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư lĩnh vực du lịch.
Thứ bảy: Tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch
Tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch trên địa bàn tỉnh bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng cáo du lịch, sản phẩm du lịch.

 
Tác giả bài viết: Lê Loan
Nguồn tin: Văn phòng Sở:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây