Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến ngày 23/8/2023, cả nước đã xảy ra 926 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 46 tỉnh, thành phố với số lợn tiêu hủy là 60.810 con; 94 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục tại 18 tỉnh, thành phố với số trâu, bò bị chết phải tiêu hủy là 111 con; 53 ổ dịch Lở mồm long móng tại 18 tỉnh, số gia súc chết và tiêu hủy là 128 con; 08 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 07 tỉnh với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 14.000 con; phát sinh 192 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại 35 tỉnh, thành phố; theo báo cáo tình hình bệnh Dại trên người của Bộ Y tế đã có 65 ca tử vong vì bệnh Dại tại 32 tỉnh, thành phố. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, từ đầu năm 2024 đến ngày 29/08/2024, đã phát sinh 05 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 06 hộ/05 xã/04 huyện (Bù Đăng, Hớn Quản, Bù Gia Mập và Lộc Ninh) với số lợn chết, tiêu hủy là 511 con; 10 ổ dịch bệnh Dại trên động vật tại 10 xã/07 huyện (Bù Đốp, Hớn Quản, Lộc Ninh, Phú Riềng, Tx. Bình Long, Tx.Phước Long) và có 02 trường hợp người tử vong do mắc bệnh Dại (Bù Đăng, Phước Long); 01 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục tại 02 hộ/01 xã/01 huyện (Bù Đăng) với số bò bệnh,chết, tiêu hủy là 02 con. Thông qua kết quả giám sát chủ động, bị động và giải trình tự gien của các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm cho thấy các loại mầm bệnh này còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và trong quần thể gia súc, gia cầm.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024, trong tháng 10/2024”. Nội dung thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT- BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; trong đó tập trung những nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có công tác thực hiện khử trùng, tiêu độc khử trùng tại các huyện, thị xã, thành phố.
- Tổ chức mua sắm, cấp phát hóa chất, vật tư liên quan và hướng dẫn cho UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện theo quy định.
Khử trùng môi trường chăn nuôi bằng hóa chất
2. Ban Quản lý của khẩu quốc tế Hoa Lư, Ban quản lý cửa khẩu chính Lộc Thịnh, Ban quản lý cửa khẩu chính Hoàng Diệu
Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện biên giới tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu. Bố trí kinh phí thực hiện tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển đi qua cửa khẩu.
3. Các sở, ban, ngành khác có liên quan
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT, các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2/2024 trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024 trên địa bàn quản lý. Bố trí đầy đủ kinh phí thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng môi trường trên địa bàn ngoài phần ngân sách tỉnh. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND cấp xã triển khai thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.
- UBND cấp xã tổ chức các đội tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống và sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, địa điểm thu gom động vật sống và sản phẩm động vật để buôn bán, kinh doanh, khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật,...; việc phun khử trùng được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch,...
- Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, thủy cầm,... chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại cơ sở và khu vực xung quanh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y.
- Đối với các huyện biên giới (Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập): Tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Cửa khẩu tổ chức áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.
- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện tổ chức tiếp nhận, quản lý, cấp phát, sử dụng hóa chất, vật tư để thực hiện khử trùng, tiêu độc theo quy định trên địa bàn đảm bảo thực hiện hiệu quả, an toàn. Phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND cấp xã triển khai thực hiện tốt Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2024 trên địa bàn sau khi kết thúc về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) trước ngày 30/11/2024./.