NGƯỜI TIÊU DÙNG CẦN LƯU Ý KHI CHỌN, BẢO QUẢN VÀ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM

Chủ nhật - 22/01/2017 22:26 706 0
Theo truyền thống, hằng năm cứ mỗi khi Tết đến các gia đình đều chuẩn bị nhiều thực phẩm để cúng tổ tiên sau sum họp gia đình hoặc tiếp đón bạn bè... Để giữ trọn niềm vui và đảm bảo sức khỏe của mọi người trong dịp Tết Đinh Dậu sắp đến, mỗi gia đình cần biết cách lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm tươi sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
1. Cách chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm: - Chọn thịt gia súc, gia cầm: Người tiêu dùng nên đến mua thịt gia súc, gia cầm ở những quầy bán thịt vệ sinh sạch sẽ, kinh doanh ở khu vực riêng biệt, không bị ảnh hưởng từ các nguồn ô nhiễm vì đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sự an toàn khi sử dụng; thịt có nguồn gốc rõ ràng, dấu hiệu nhận biết là có lăn dấu, đóng dấu của cơ quan thú y trên sản phẩm. Lựa chọn thịt tươi có bề mặt khô mịn, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. - Chọn trứng gia cầm: Khi mua nên chọn những quả vỏ sạch, màu tươi sáng, vỏ dày không nứt vỡ, cầm trứng đưa lên gần tai lắc nhẹ nếu không nghe thấy tiếng kêu là trứng tươi, hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái cầm vào hai đầu của quả trứng giơ về phía ánh sáng, nhìn phía đầu to của quả trứng nếu thấy kích thước bóng khí càng nhỏ thì trứng càng tươi. - Chọn đồ hộp: Khi mua quan sát hình dáng đồ hộp, nếu đồ hộp bị phồng, dùng tay ấn nhẹ nếu xẹp xuống và khi buông tay ra không bị phồng lại thì vẫn sử dụng được. Nếu ấn mạnh chỗ phồng không xẹp hoặc phồng lại như cũ thì phải bỏ đi. Không chọn đồ hộp sắt bên ngoài bị gỉ và thủng lổ. Đồ hộp và đồ đóng gói sẳn phải có nhãn mác rõ ràng và còn hạn sử dụng. - Chọn cá: Chọn cá đang sống hay vừa mới chết nhưng phải đảm bảo mắt còn trong suốt, giác mạc đàn hồi; miệng ngậm cứng; mang màu đỏ tươi và dán chặt xuống hoa khế; vây tươi óng ánh, dính chặt vào thân; bụng bình thường, hậu môn thụt sâu và màu trắng nhạt; thịt rắn chắc, có đàn hồi. 2. Chế biến thực phẩm: - Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn như nguồn nước máy, nước giếng đã qua xử lý, lắng lọc; nước trong, không màu, không mùi, không có vị lạ. Nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đem nước đi kiểm tra tại những cơ quan có chức năng. - Sử dụng đồ dùng nấu nướng sạch và bằng vật liệu thích hợp. Cẩn thận với những đồ dùng sặc sỡ, nhựa tái sinh có màu. Không dùng các chất tẩy, chất sát trùng vệ sinh nhà cửa hoặc xà phòng giặt để rửa dụng cụ ăn uống. - Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chin kỹ. Các loại thực phẩm đông lạnh phải làm rả đông hoàn toàn và rửa sạch trước khi chế biến. Không nên sử dụng thực phẩm ở dạng tươi sống như tiết canh, thịt tái, gỏi cá. 3. Bảo quản thực phẩm: - Thịt tươi sống mua về rữa thật sạch, rồi mới cho vào hộp hay bao thịt kỹ để giữ được độ tươi ngon và bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh sau đó mới cho vào ngăn đông để bảo quản, thịt sẽ được bảo quản lâu. Để thịt không bị đông cứng quá mức, thay đổi màu sắc và mất mùi vị thơm ngon, khi cho thịt vào ngăn đông, hãy bọc thịt thật nhiều lớp, tránh không cho không khí lọt vào bên trong thịt. Nếu để thịt trong ngăn mát thì cần để nhiệt độ ở mức 20 độ C và phải luôn kiểm tra nhiệt độ thường xuyên để đảm bảo thịt vẫn luôn tươi, nhưng cách này thịt sẽ không bảo quản được lâu thường chỉ trong 1- 4 ngày. - Để bảo quản trứng trong tủ lạnh, dùng giấy báo hoặc khăn giấy mềm khô lau sạch trứng rồi cho vào thùng giấy hoặc bọc giấy báo cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc có thể cho thẳng trứng vào tủ lạnh xếp đầu to của trứng lên trên như vậy sẽ bảo quản trứng được hơn một tháng. - Bảo quản cá trong tủ lạnh rất dễ lây mùi tanh cho các thực phẩm khác, vì vậy hãy làm sạch cá hoặc có thể luộc sơ cá để ráo và bọc kín trước khi cho vào tủ lạnh. - Thực phẩm nấu chín bảo quản cẩn thận và nấu kỹ lại trước khi ăn. Không để lẫn thức ăn sống với thức ăn chin. Thức ăn cần được che đậy tránh bụi, ruồi nhặng hay sự xâm nhập của côn trùng, gậm nhấm và các động vật khác. Việc lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh và đảm bảo không bị hao hụt chất dinh dưỡng là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn, nhằm hỗ trợ giảm mắc các bệnh, cải thiện sức khỏe cho mọi người./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thúy Hồng
Nguồn tin: tnmt.danang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây