Chung tay bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn.
Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Văn Sơn
2023-02-20T19:48:40-05:00
2023-02-20T19:48:40-05:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/hoc-tap-tam-guong-dao-duc-hcm/chung-tay-bao-ve-dong-vat-hoang-da-tren-dia-ban-2574.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2023_02/khi.jpg
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn, bảo vệ và phát triển bền vững các loài động vật hoang dã (sau đây gọi tắt là ĐVHD) được hoàn thiện, phù hợp với pháp luật quốc tế và thực tiễn đất nước. Với việc ký kết và trở thành thành viên của Công ước CITES và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được coi là công cụ pháp lý vững chắc để xử lý tội phạm liên quan đến ĐVHD. Các cấp, các ngành đã có nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn nhằm đưa pháp luật đi vào thực tế cuộc sống.
Tuy nhiên, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD còn diễn biến phức tạp ở một số địa bàn, địa phương với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, nhất là những khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực giáp ranh, khu vực biên giới...; ý thức bảo vệ ĐVHD của người dân còn rất hạn chế làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài ĐVHD trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái…
Cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm trên địa bàn. Những khu vực được cho là tiềm ẩn nguy cơ cao có khả năng truyền lây bệnh giữa động vật nuôi thông thường, ĐVHD và con người bao gồm những nơi buôn bán ĐVHD, nhà hàng kinh doanh thịt thú rừng, trang trại nuôi ĐVHD, trung tâm cứu hộ và bảo tồn ĐVHD và những khu vực có ĐVHD xuất hiện trong và xung quanh nơi ở của con người. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác.
- Đồng thời, tình trạng các loài ĐVHD hung dữ, nguy hiểm hiện có trong tự nhiên và tồn tại trong môi trường nuôi, nhốt ở gần và trong khu dân cư đe dọa đến tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhân dân, điển hình như: Gần đây nhất là vụ chết 01 người xảy ra ngày 01/01/2023, tại khu vực gần nhà dân thuộc xã Thanh Lương, thị xã Bình Long có liên quan đến việc nuôi nhốt Trăn; trước đó là trường hợp 01 cán bộ bảo vệ rừng bị rắn hổ mang chúa cắn dẫn đến tử vong xảy ra trên địa bàn thuộc huyện Bù Gia Mập; sự việc có 02 cá thể khỉ (có dấu hiệu do nuôi, nhốt bị sổng ra ngoài) xuất hiện khu vực gần nhà dân thuộc xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú cắn chết gà, vịt và phá hoại cây trồng, tài sản, hoa màu của dân; hay là trường hợp 01 người dân ở tỉnh Tây Ninh cũng bị chết do rắn độc cắn và đâu đó chúng ta vẫn nắm bắt được thông tin về việc con người bị Voi, Hổ, Gấu, Cá sấu, rắn độc vồ cắn gây thương tật vỉnh viễn suốt đời hoặc dẫn đến chết người ..v.v…; đối với ĐVHD trong tự nhiên có sự việc đàn Bò Tót (Bosraurus), phá hoại cây trồng, tài sản, hoa màu của nhân dân ở khu vực giáp ranh giữa huyện Đồng Phú, Bình Phước với Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai… Tất cả các hậu quả, thiệt hại đã xảy ra đều có liên quan đến ĐVHD hung dữ, nguy hiểm.
Nhằm bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý, bảo vệ ĐVHD, bảo đảm an toàn tính mạng sức khỏe con người, có kiến thức tối thiểu khi tiếp xúc với ĐVHD, phòng tránh lây lan dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài ĐVHD trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái, sức khỏe con người và uy tín của đất nước trên trường quốc tế, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo bà con nhân dân thực hiện một số nội dung như sau:
1. Nâng cao nhận thức về bảo vệ ĐVHD, bảo vệ sự đa dạng sinh học, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống; nhận thức rõ về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động lâm nghiệp, về đa dạng sinh học và các quy định của pháp luật khác có liên quan:
- Các hành vi “Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật” (Khoản 3 Điều 9 Luật Lâm nghiệp).
- Các hành vi “Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” (Khoản 4 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học).
- Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất (Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính Phủ).
- Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó (Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính Phủ).
- Trường hợp loài ĐVHD được ưu tiên bảo vệ đe dọa đến tài sản hoặc tính mạng của Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã hoặc thành phố trực thuộc tỉnh xem xét, quyết định phương án tự vệ để bảo vệ tính mạng Nhân dân và hạn chế tổn hại đến loài ĐVHD (Khoản 3 Điều 10 Văn bản Hợp nhất số: 03/VBHN-BTNMT, ngày 11/5/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nghị định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ).
2. Việc săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh động vật rừng/hoang dã trái quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Tùy theo tính chất, hậu quả và mức độ thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra, đối tượng vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo thủ tục tố tụng hình sự.
3. Các chủ nuôi ĐVHD hoặc lực lượng chức năng khi thực thi công vụ phải áp dụng các biện pháp về khử khuẩn, sát trùng, trang bị đồ bảo hộ chống vi-rút, khẩu trang y tế, mặt nạ, giày, ủng vô trùng (khuyến cáo chỉ sử dụng một lần, không nên sử dụng lại)… khi tiếp xúc với ĐVHD và đồng thời phải trang bị các công cụ, dụng cụ chuyên dụng (Vợt lưới dù, thòng lọng bằng thép, súng bắn gây mê…) để bắt ĐVHD khi thực sự cần thiết. Việc để phát tán, lây lan dịch bệnh còn có thể bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật về “Phòng, chống bệnh truyền nhiễm”.
4. Các chủ nuôi ĐVHD hung dữ, nguy hiểm phải xây dựng, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và vật nuôi; thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh. Vận động chủ nuôi không nuôi nhốt và chuyển giao các cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB đặc biệt là các loài hung dữ về trung tâm cứu hộ, cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, đào tạo hoặc tổ chức tiêu hủy nếu động vật bị ốm, mang mầm bệnh không có khả năng nuôi dưỡng lâu dài.
5. Khuyến khích người dân nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tích cực vận động người thân, bạn bè thực hiện tốt các nội dung trên và tham gia phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến ĐVHD nói chung và nhất là những loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nói riêng.
Chung tay bảo vệ các loài ĐVHD, vì nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo đảm các hệ sinh thái, góp phần cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững, mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người.
Tác giả bài viết: Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Văn Sơn
Nguồn tin: Chi cục Kiểm lâm: