Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm một cách hiệu quả, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh và thiệt hại về kinh tế, thì việc đánh giá được nguy cơ dịch bệnh và phát hiện sớm được mầm bệnh để khống chế ổ dịch, ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh là điều rất quan trọng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức hệ thống giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như sau:
1. Giám sát chủ động:
Thiết lập hệ thống giám sát lâm sàng, theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi từ cấp tỉnh xuống đến tận thôn, ấp, khu phố, người làm dịch vụ hành nghề Thú y, người chăn nuôi. Khi có thông tin về dịch bệnh nguy hiểm, nhanh chóng xác minh, chẩn đoán và kịp thời triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm để đánh giá sự lưu hành mầm bệnh với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc như bệnh dịch tả lợn châu phi, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò.
Hàng năm tổ chức giám sát, lấy mẫu tại các chợ, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong toàn tỉnh để xét nghiệm, đánh giá sự lưu hành mầm bệnh với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia cầm như bệnh cúm (có thể lây từ gà, vịt sang người), bệnh Newcastle. Từ đó có cơ sở để đánh giá và xây dựng vùng An toàn dịch bệnh.
Hình ảnh lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm và Newcastle tại các chợ trong tỉnh.
Tổ chức lấy mẫu đánh giá hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng tại các trang trại chăn nuôi tập trung. Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tổ chức lấy mẫu sau mỗi đợt tiêm phòng định kỳ (2 đợt/năm) đối với các bệnh cúm gia cầm, Newcatles, bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả heo cổ điển.
2. Giám sát bị động:
Khi có thông tin về dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi sẽ triển khai ngay việc lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm chính xác mầm bệnh, đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai thực hiện tốt việc giám sát lâm sàng đối với dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đánh giá hiệu quả kháng thể sau tiêm phòng đối với các đàn gia súc, gia cầm đã tiêm phòng là 427 mẫu cúm, 854 mẫu Newcastle, 6649 mẫu dịch tả lợn cổ điển và xét nghiệm phát hiện kháng thể tự nhiên đối với những đàn gia súc, gia cầm chưa tiêm phòng là 420 mẫu cúm và 390 mẫu LMLM type 3AB tất cả các mẫu đều âm tính. Đồng thời qua thông tin báo cáo dịch bệnh từ địa phương, Chi cục đã lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán đối với 60 ổ dịch nghi ngờ bệnh dịch tả lợn châu phi, 52 ổ dịch nghi mắc bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, 02 ổ dịch cúm gia cầm và Newcastle, 03 ổ dịch nghi bệnh dại trên chó.
Như vậy thông qua công tác lấy mẫu phòng chống dịch bệnh đã đánh giá được hiệu quả trong việc tiêm vaccine phòng chống dịch bệnh. Đồng thời đối với các ổ dịch nghi ngờ đã nhanh chóng xác định chính xác mầm bệnh từ đó triển khai nhanh chóng, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, vì vậy từ đầu năm đến nay khi các ổ dịch được phát hiện đã được khống chế và không làm lây lan sang các hộ xung quanh. Qua những kết quả đạt được trên đã minh chứng cho vai trò quan trọng của công tác giám sát, lấy mẫu trong phòng chống dịch bệnh động vật, góp phần ổn định tình hình dịch bệnh động vật để tạo môi trường an toàn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.