Trong năm 2022, lực lượng kiểm lâm đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng; tăng cường công tác tuần tra, truy quét bảo vệ rừng tại các địa phương; bố trí lực lượng trực tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng, cháy rừng; duy trì công tác cập nhập, theo dõi cảnh báo cháy rừng thông qua phần mềm cảnh báo cháy rừng của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và phần mềm cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm, kết quả trong năm qua không xảy ra vụ cháy rừng cũng như vi phạm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy gây cháy rừng; tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra 01 vụ phá rừng trái pháp luật xảy ra tại Ban QLRPH Bù Đăng, làm thiệt hại 2,8 ha rừng tự nhiên (hiện trạng rừng Lồ ô thuần loài) thuộc quy hoạch rừng sản xuất; 01 vụ chiếm đất quy hoạch đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn xảy ra trên địa bàn huyện Đồng Phú; 01 vụ hủy hoại đất lâm nghiệp xảy ra trên địa bàn huyện Lộc Ninh; và 12 vụ sử dụng đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép xảy ra trên địa bàn huyện Đồng Phú. Các vụ việc vi phạm trên đều được lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, công tác tham mưu giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác xử lý vi phạm, công tác sử dụng rừng, đất rừng nên tình hình khiếu kiện, khiếu nại các vụ việc liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp ít xảy ra (trong năm 2022 chỉ xảy ra 02 vụ khiếu nại trên địa bàn huyện Đồng Phú và đã được Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định). Đặc biệt, trong 05 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không còn tình hình chống người thi hành công vụ.
Có thể khẳng định rằng kết quả trên đây rất đáng ghi nhận, thể hiện quyết tâm cao, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nói chung và của tỉnh Bình Phước nói riêng, trong đó vai trò chủ động của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng từ công tác tham mưu, triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật là yếu tố quan trọng.
Ngoài ra, để đạt được kết quả trên không thể không ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT đã làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến về nhận thức và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân tác động lớn đến kết quả của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Việc đầu tư trang bị các công cụ, phương tiện cần thiết cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng, cộng đồng dân cư phục vụ các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR cũng là một yếu tố góp phần tạo được hiệu quả của công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của tỉnh trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh năm qua còn có tồn tại hạn chế đó là: tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn còn xảy ra như trình bày ở trên, nguyên nhân là: Do địa hình ở một số địa phương đồi dốc; diện tích rừng một số nơi phân bố rải rác gây khó khăn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng; ngoài ra do một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, ven rừng tự ý xâm nhập vào rừng trái phép để lấy Măng, hái Ươi, thu hái lá Nhíp, đọt Mây mặc dù lực lượng kiểm lâm, lực lượng chủ rừng đã chủ động có kế hoạch ngăn chặn, nhưng vụ việc vi phạm vẫn còn xảy ra.
Để công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy rừng trong năm 2023 và những năm tiếp theo đạt được kết quả tốt cần phải thực hiện đồng loạt các giải pháp sau:
Thứ nhất, cấp ủy Đảng các cấp, người đứng đầu đơn vị đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng, phòng cháy và chữa cháy rừng tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ và Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 05/12/2017 của UBND tỉnh Bình Phước.
Thứ hai, triển khai kịp thời, hiệu quả Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, thường xuyên thực công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phù bằng nhiều hình thức và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ban, sở, ngành, các địa phương và các đơn vị có liên quan để luôn chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu các công việc liên quan đến sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh và công tác kiểm ta, tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, thông qua trinh sát và năng lực dự báo tình hình tại các địa phương để chủ động có phương án, kế hoạch ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là những tình huống phát sinh mới, chưa có tiền lệ.
Thứ sáu, thực hiện có hiệu quả, chất lượng các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp, trong đó cần lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh gắn với cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập của cộng đồng với các hoạt động bảo vệ phát triển rừng của địa phương, tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của các tổ chức và doanh nghiệp nhằm thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Trong năm 2023 quyết tâm hoàn thành xây dựng vùng nguyên liệu 05 ngàn ha theo Đề án phát triển và chế biến gỗ.
Thứ bảy, xử lý triệt đề và hiệu quả các tồn tại đối với đất xâm canh, đất giao khoán, công tác giao rừng, cho thuê rừng.