Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch tỉnh Bình Phước

Thứ ba - 13/06/2023 03:17 249 0
Nhắc đến Bình Phước là nhắc đến một vùng đất trù phú, thích hợp cho phát triển các loài cây công nghiệp, cây đa mục đích có giá trị kinh tế cao. Ngoài lợi thế đó, tỉnh Bình Phước còn được biết đến là địa phương còn nhiều rừng của vùng Đông Nam Bộ, đến nay diện tích trong quy hoạch 03 loại rừng là 171.526 ha, trong đó rừng đặc dụng là 31.179 ha, rừng phòng hộ là 43.548 ha và rừng sản xuất là 96.799 ha.
Tài nguyên rừng của tỉnh Bình Phước và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng.
Rừng Bình Phước có các di tích, danh lam thắng cảnh rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái như: Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Khu di tích lịch sử căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, Khu Di tích lịch sử, văn hoá núi Bà Rá, Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch. Trong đó mỗi địa điểm có các thế mạnh riêng, như:
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập rất đa dạng về cảnh quan sinh thái, những cảnh quan nổi bật như Giếng Trời, Thác Đak Bô, suối Đak Ka, Hang Dơi, Di tích lịch sử điểm cuối ống dẫn dầu, Trảng Bằng Lăng, Thác Lưu Ly, Thác Đak Rốt….. 
Thác nước và cây Di sản tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Ngoài cảnh đẹp của rừng Bù Gia Mập, Bình Phước còn có Khu di tích lịch sử căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng Miền Nam nơi có nhiều công trình lịch sử để tham quan như Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Hầm chữ A, Hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo như Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng… Khu di tích lịch sử, văn hoá núi Bà Rá là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng với dòng sông Bé uốn quanh co, với Thác Mẹ, Thác Mơ, rừng cây với hệ thực vật đa dạng phong phú. Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch có cảnh quan gắn liền với diện tích đồng cỏ tự nhiên của Trảng cỏ và hồ Bù Lạch, có thác Voi có thể đầu tư xây dựng thành các khu, điểm du lịch vui chơi giải trí, du lịch thể thao, mạo hiểm, có văn hóa ẩm thực như: cơm lam, rượu cần, thịt gác bếp, gà nướng nguyên thủy, cá suối, rau rừng; rượu cần truyền thống….
Định hướng Phát triển du lịch tỉnh Bình Phước gắn với bảo vệ và phát triển rừng
Ngày 30/9/2021 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình số 17-Ctr/TU, về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, theo đó xác định nhiệm vụ và chỉ đạo xây dựng Đề án “Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch”.
Việc xây dựng Đề án sẽ định hướng xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; quản lý bảo vệ rừng theo hướng bền vững, gắn với phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao thu nhập cho người dân và đảm bảo sự tham gia bình đẳng của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp. Phát huy những giá trị về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, môi trường rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, các giá trị về văn hóa để cung cấp các sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, học tập, tham quan, nghiên cứu khoa học, góp phần giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường. Chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương. Tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái
Để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển ngành du lịch tỉnh Bình Phước xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có với trọng tâm là du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với du lịch sinh thái, cần thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thực hiện tốt quy hoạch 03 loại rừng trên cơ sở quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, làm cơ sở cho quy hoạch phát triển các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Củng cố, kiện toàn lại tổ chức, bộ máy hệ thống chủ rừng phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước và của tỉnh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng với mục tiêu: bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; nâng cao chất lượng rừng bằng các biện pháp lâm sinh như làm giàu rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng; bảo tồn đa dạng sinh học đặc biệt là các khu vực có tiềm năng đa dạng sinh học cao, các khu vực có các loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm, mua sắm trang thiết bị bảo vệ rừng, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phòng chống cháy rừng; kiểm kê, theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học nhằm giữ gìn cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch…
Đẩy mạnh công tác trồng rừng vùng bán ngập, rừng phòng hộ đầu nguồn tạo vùng sinh cảnh ven các hồ thủy lợi, thủy điện, trồng lại rừng sau khai thác, trồng cây phân tán, lựa chọn các loài cây bản địa, cây đặc hữu để trồng bổ sung, làm giàu rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.
Thí điểm các mô hình trồng xen dược liệu dưới tán, các mô hình khai thác lâm sản ngoài gỗ nhằm đa dạng nguồn thu nhập cho người dân sống gần rừng.
Triển khai thực hiện tốt công tác giao rừng, cho thuê rừng; hướng dẫn thực hiện việc cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch. Thực hiện tốt công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân sống gần rừng, nhằm huy động nhân dân cùng tham gia bảo vệ rừng.
Xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của các đơn vị chủ rừng nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng về cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa của từng khu rừng, tạo tiền đề xây dựng các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội hóa vào phát triển du lịch.
Huy động các nguồn lực để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch, đặc biệt là nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tác giả bài viết: Cao Xuân Hưng
Nguồn tin: Chi cục Kiểm lâm:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây