Xu thế tất yếu, lợi ích và mục đích của truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong nông nghiệp
Hồng Lĩnh
2023-05-25T04:07:58-04:00
2023-05-25T04:07:58-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/hoc-tap-tam-guong-dao-duc-hcm/xu-the-tat-yeu-loi-ich-va-muc-dich-cua-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-hang-hoa-trong-nong-nghiep-2638.html
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/news/2023_05/truy-xuat-nguon-goc-1.png
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Truy xuất nguồn gốc được hiểu là việc truy tìm lại những thông tin thiết yếu của sản phẩm, hàng hóa từ các công đoạn trong các bước của quá trình sản xuất, chế biến đến phân phối, bán và sử dụng hàng hóa sản phẩm. Nhằm giúp người sử dụng, người sản xuất, người phân phối, người quản lý lựa chọn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng được cầu phát triển của xã hội. Bài viết này làm rõ thêm một số nội dung về xu thế tất yếu, lợi ích và mục đích của truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa như sau:
1. Về sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò quan trọng và đã trở thành xu thế tất yếu đối với hoạt động sản xuất và quản lý sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng ở Việt Nam, vì:
- Hàng giả, hàng nhái với chất lượng không đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng là "Cơn ác mộng" của hàng triệu người tiêu dùng. Mặc dù cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã tìm nhiều cách để ngăn chặn, nhưng hàng kém chất lượng vẫn xuất hiện ở mọi góc ngách, từ ngõ chợ đến siêu thị và len lỏi vào cuộc sống của người dân.
- Theo xu thế phát triển của thị trường thì bên cạnh những đòi hỏi ngày càng cao ở doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng cũng đã dần ý thức được việc tự bảo vệ lợi ích và sức khỏe của bản thân. Đó cũng là lúc việc truy xuất nguồn gốc, nhất là những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, như: thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng... trở thành tiêu chuẩn bắt buộc (https://vqs.vn).
- Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, Việt Nam phải chấp nhận các “Luật chơi”, trong đó phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Thông tin được niêm yết công khai, rõ ràng chính là điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam (https://mof.gov.vn/).
- Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); hiện nay sự quan tâm của người tiêu dùng, không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã sản phẩm, mà còn cả thông tin liên quan tới quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến khách hàng cuối cùng. Nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như dược phẩm, thực phẩm, đồ uống,... Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã, đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc. Trên thế giới, truy xuất nguồn gốc đã được thực hiện rộng rãi nhằm hướng tới sản xuất và thương mại văn minh.
- Truy xuất nguồn gốc sản phẩm là xu thế tất yếu; trở thành vấn đề cấp thiết và yêu cầu bắt buộc đối với quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông sản; giúp quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ quá trình sản xuất đến bảo quản, vận chuyển và phân phối, đặc biệt là giải quyết được vấn đề giả mạo sản phẩm trong chuỗi cung ứng.
2. Về lợi ích và mục đích của truy xuất nguồn gốc
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa mang lại cho người sản xuất, người tiêu dùng và người quản lý những lợi ích như:
- Người tiêu dùng hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
- Doanh nghiệp kiểm soát được sản phẩm, hàng hóa; tạo sự tin tưởng của khách hàng đối với sản phẩm; là “Bức tường” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp; Phát triển được thương hiệu sản phẩm. Qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
- Là công cụ hữu ích giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, kiểm soát thị trường sản phẩm, hàng hóa.
- Góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại: (i) Đối với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. (ii) Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, tức là đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung. (iii) Đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất có thể kiểm soát tốt hơn chất lượng của các mặt hàng, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẵng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
- Bảo vệ thương hiệu, nâng tầm giá trị doanh nghiệp một cách hiệu quả. Truy xuất nguồn gốc chính là con đường ngắn nhắn giúp bảo vệ uy tín doanh nghiệp một cách hiệu quả, đồng thời truyền tải mọi thông điệp của nhà sản xuất đến tay người tiêu dung chỉ thông qua một thao tác quét mã đơn giản.
- Giúp tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy doanh số bán hàng: Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắc khe hơn về chất lượng của sản phẩm hàng hóa, đặc biệt đối với những sản phẩm nông lâm thủy sản,... do vậy, việc áp dụng truy xuát nguồn gốc sẽ góp phần mạnh mẽ trong việc nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước, từ đó thúc đẩy doanh số bán hàng.
- Chi phí đầu tư xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thực sự không lớn, vì: (i) Hầu hết các doanh nghiệp đã có website. Nếu chưa có wensite thì kinh phí thuê duy trì thông tin sản phẩm, hàng hóa trên website của những đơn vị dịch vụ là rất thấp. (ii) Kinh phí dịch vụ tạo mã QR code và tư vấn lập Thuyết minh truy xuất nguồn gốc cho một sản phẩm cũng rất ít, ít hơn rất nhiều so với chi phí làm các loại chứng nhận khác.
- Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ giúp hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu sản phẩm phát triển mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp vươn tầm thế giới: (i) Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều sản phẩm nông sản có giá trị, tuy nhiên thị phần xuất khẩu ra thị trường quốc tế lại khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hình thức sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung, quy mô và cách thức còn nhiều hạn chế. (ii) Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực như thủy sản, truy xuất xuất nguồn gốc thủy sản chính là yếu tố bất buộc đối với toàn bộ doanh nghiệp muốn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Việc các doanh nghiệp Việt Nam thường bị treo đèn vàng mỗi khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản chính là tiếng chuông báo động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
- Với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thì các doanh nghiệp sẽ gửi những thông điệp rõ nhất "Về chất lượng sản phẩm" tới tay khách hàng một cách cụ thể minh bạch nhất.
- Góp phần tạo nền tảng cho sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp đáp ứng các quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu. Từ đó, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp (https://moit.gov.vn).
- Trong thực tế: (i) Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) Nguyễn Ngọc An cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã QR, mã vạch là xu hướng và nhu cầu tất yếu, tạo cho doanh nghiệp nhiều lợi ích, thế mạnh trong kinh doanh. Sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc sẽ có sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. (ii)
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa cũng có những mục đích, như:
- Minh bạch, công khai thông tin của một sản phẩm, hàng hóa trong chuỗi cung ứng từ quá trình sản xuất đến chế biến và phân phối.
- Giúp cho người tiêu dùng yên tâm, có thông tin, có cơ sở để lựa chọn hàng hóa chính hãng, đạt chất lượng và là người tiêu dùng thông thái.
- Kết hợp chặt chẽ với những chứng nhận sản phẩm khác, như: OCOP, VietGap, ISO, Mã vùng trồng, ATTP … xây dựng các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát hàng hóa trên thị trường (https://vqs.vn).
- Xây dựng văn hóa: (i) Trung thực trong sản xuất, lấy chất lượng, uy tín phục vụ cộng đồng là yếu tố quan trọng hàng đầu làm nền tảng dẫn đến thành công của doanh nghiệp, của xã hội. (ii) Trách nhiệm của người tiêu dùng đối với sự phát triển của sản phẩm, hàng hóa.
- Góp phần chuyển đổi số sản phẩm, hàng hóa theo kịp môi trường quốc tế trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Trên đây là một số tổng hợp, khái quát về xu thế, lợi ích và mục đích của truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Tác giả bài viết: Hồng Lĩnh
Nguồn tin: CTV. Công ty TNHH Nông lâm Bình Phước