CẢI THIỆN THU NHẬP TỪ NẤM BÀO NGƯ
Hiện nay, giá một số mặt hàng nông sản bấp bênh, gia đình bà Đỗ Thị Mai ở xã Tân Phước đã chủ động chuyển qua trồng nấm bào ngư để cải thiện thu nhập.
Bà Mai cho biết, trước đây gia đình chuyên thu mua nông sản nên đầu tư hệ thống nhà kho. Tuy nhiên, do kinh doanh kém hiệu quả và không phù hợp với sức khỏe, gia đình đã tận dụng không gian khép kín này trồng nấm bào ngư. Hiện nay, vườn nấm của gia đình bà Mai luôn duy trì với hơn 16.000 phôi nấm. Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi ngày gia đình bà thu hoạch khoảng 80kg nấm thương phẩm. Với giá thương lái mua tại vườn khoảng 45.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm gia đình bà thu lời hơn 120 triệu đồng.
Trồng nấm không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Đỗ Thị Mai mà còn góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương
Theo bà Mai, ưu điểm của nấm bào ngư là dễ trồng, thời gian thu hoạch nhanh, kéo dài quanh năm và có thể điều chỉnh sản lượng tùy vào nhu cầu của thị trường. “Trồng nấm bào ngư không khó và trồng được quanh năm. Song, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật và theo dõi thường xuyên để có biện pháp xử lý kịp thời. Một trong những yêu cầu quan trọng là nhà trồng nấm phải có nhiệt độ thích hợp, thông thoáng, ánh sáng phù hợp. Quá trình chăm sóc chỉ tưới phun sương bằng nước sạch. Khi phát hiện nấm bị bệnh mốc xanh, cần nhanh chóng loại bỏ bịch phôi bị nhiễm bệnh để tránh lây lan. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, người trồng cần diệt khuẩn, rửa nền để đảm bảo an toàn cho các lần sản xuất sau” - bà Mai cho biết thêm.
Không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, phôi nấm sau khi thu hoạch còn có thể tận dụng ủ làm phân bón cho cây trồng. Với 7 ha rẫy trồng tiêu, sầu riêng, cây ăn trái, nhờ có phôi nấm, mỗi năm giúp gia đình bà Mai tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng tiền phân bón, trong khi hiệu quả không thua kém phân bò hay phân hóa học. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, dù mô hình trồng nấm bào ngư được đánh giá là thành công nhưng do thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp nên việc mở rộng quy mô rất khó. Đây là vấn đề người dân cần lưu ý nếu có ý định chuyển qua mô hình trồng nấm bào ngư.
THỬ NGHIỆM VỚI VÚ SỮA HOÀNG KIM
Nhà nông Nguyễn Văn Ga được biết đến là người đầu tiên đưa giống vú sữa hoàng kim về ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú. Ông Ga cho biết, trước đây gia đình trồng điều và cây ăn trái các loại. Để phát huy hiệu quả cây trồng trên cùng một diện tích đất, năm 2019, gia đình trồng xen vú sữa hoàng kim trong vườn cây ăn trái. Dù còn mới nhưng mô hình bước đầu cho kết quả tích cực, đặc biệt loại cây này rất phù hợp với những hộ khó khăn, ít đất sản xuất bởi cây nhanh cho thu hoạch, giá trị kinh tế cao.
Nhà nông Nguyễn Văn Ga bên vườn cây vú sữa hoàng kim của gia đình
Theo ông Ga, vú sữa hoàng kim là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, cây cho trái quanh năm, giá bán cao và ổn định, đặc biệt phù hợp với nhiều chất đất. Dù mới trồng khoảng 3 năm nhưng loại cây trồng mới này đã thể hiện được những ưu thế vượt trội về giá trị kinh tế so với nhiều loại cây trồng khác tại địa phương.
Cũng theo chủ vườn, giống cây này còn có ưu điểm là cây lùn, tán rộng, ít sâu bệnh và không tốn nhiều công chăm sóc, nhà vườn rất dễ bao trái để sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch. Cây trồng sau 18 tháng sẽ cho trái. Trái khi nhỏ có màu xanh, khi chín có màu vàng óng khá bắt mắt. Trái vú sữa hoàng kim có vị giống các loại vú sữa Việt Nam nhưng thanh hơn, thịt dày, hạt ít, nhỏ và rất ít mủ. Từ lúc đậu trái đến khi chín khoảng 30 ngày, trọng lượng từ 2-3 trái/kg.
Hiện vườn vú sữa hoàng kim của gia đình ông Ga đã cho thu. Một số cây chuẩn giống đầu dòng được chăm sóc tốt, mỗi năm cho thu trái khoảng 40kg/cây. Với giá bán dao động từ 50-80 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu đáng kể. Tuy nhiên, điều ông Ga băn khoăn là việc tuyển chọn được nguồn giống tốt, chuẩn vú sữa hoàng kim là rất khó.
Với ưu thế vượt trội sau khi được trồng thử nghiệm, dự kiến vú sữa hoàng kim là loại cây trồng tiềm năng, dần thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả. Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mới, thị trường tiêu thụ chưa nhiều nên chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần có định hướng để giúp nông dân chuyển đổi theo hướng bền vững.