Làm giàu trên mảnh đất nghèo

Thứ sáu - 02/08/2013 09:22 2.256 0
Đến thăm trang trại kinh tế của hộ bà Nguyễn Thị Thanh Tơ ở ấp Ruộng 2, xã Tân Quan (Hớn Quản), người đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh trong nhiều năm qua, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi ý chí, nghị lực làm giàu của bà nhờ canh tác hiệu quả từ cây trồng, vật nuôi.
Vẻ chất phác, giản dị, mộc mạc của bà Thanh Tơ thể hiện ngay từ ánh nhìn, cái bắt tay, nụ cười và cả những thao tác thành thạo trong công việc, thật đậm chất nông dân. Khu vườn kinh tế rộng 15 ha, trong đó có 12 ha cao su (4ha đang cho khai thác), 3 ha còn lại vừa trồng mít Thái, vừa xây dựng 9 trại nuôi gà, 3 trại nuôi heo theo hình thức gia công, không ai nghĩ cơ ngơi này được tạo dựng từ chính đôi bàn tay và nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng nghèo trên đất khách. Bà Thanh Tơ cho biết: Trồng cao su vào những năm 90, đúng thời điểm giá mủ thấp, lại bấp bênh nên việc mở rộng diện tích rất khó khăn. Tiền thu hoạch từ mủ cao su không bù đắp được số vốn đã đầu tư, chăm bón nên dẫn đến thua lỗ liên tục. Tận dụng ô đất trống trong vườn cao su đang ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, tôi đã trồng xen 6 ha bắp và làm stump cao su vừa nhân rộng trong vườn, vừa bán cho nông dân trong vùng. Chỉ đến khi đầu tư thêm 9 trại nuôi gà, 3 trại nuôi heo thì mỗi năm, gia đình tôi đã tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền phân bón cho cây trồng. Với cách làm này, vợ chồng tôi đã tăng dần số trại, tổng đàn theo từng năm từ 1 trại nuôi gà vào năm 2001 nhưng đến thời điểm hiện tại có 12 trại gà, heo. Đối diện với khu trại chăn nuôi của gia đình bà Thanh Tơ là cả một vườn cao su non rộng khắp, bên trong từng hàng bắp được trồng thẳng tắp với những trái hạt tròn chắc nịch. Bà Thanh Tơ vui mừng nói: “Tôi cải tạo khu đất này làm nơi sản xuất ra nguồn thức ăn tại chỗ cho không biết bao nhiêu đàn heo, gà. Lấy ngắn nuôi dài, chủ động về nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng, kết hợp các yếu tố trên mới mong đạt hiệu quả kinh tế cao”. Cùng tham quan khu kinh tế của gia đình, bà Thanh Tơ luôn tỏ ra là người thạo việc, gặp người làm công đang hì hục đẩy xe rùa chở giống cao su, bà liền chụm tay vào đẩy. Khi đến trại heo, thấy người làm đang loay hoay với bình xịt, bà lại xắn tay cùng phun thuốc khử trùng, phòng dịch cho trại heo, gà, nhìn bà y như một lao động lành nghề. Bà Thanh Tơ sinh ra ở thành phố cảng Hải Phòng nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó nên cả gia đình đã chuyển vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1980. Khó khăn hơn khi bà lập gia đình với người chồng quê ở tỉnh Thái Bình, cũng vào Nam theo diện phát triển kinh tế mới. Sau nhiều năm làm công nhân chăm sóc và nhân viên y tá tại nông trường Minh Hưng (công ty cao su Bình Long), năm 1992 vợ chồng bà Thanh Tơ đã dành dụm mua được 3 sào đất sản xuất để trồng lúa, đậu, lấy cái ăn hằng ngày; kết hợp nuôi bò, mua xe trâu để chở nông sản và cày đất thuê cho người dân trong vùng, nhằm tăng nguồn thu nhập. Ròng rã suốt một năm đầu nuôi ý chí gây dựng kinh tế, bà Thanh Tơ cất công đi đến tận nơi, nhìn tận mắt các mô hình hiệu quả của người dân trong vùng, về học hỏi, làm theo. Để có tiền mua thêm đất, cây giống và phân bón, vợ chồng bà phải đi gán công trừ nợ cho các chủ vườn với đủ thứ việc: Xới đất, xạc cỏ, cưa cây, chặt củi… Bà Thanh Tơ chia sẻ: Với phương châm lấy công làm lãi, vợ chồng tôi đã dành dụm mua thêm được hơn 1 ha đất trồng cao su. Không tiền đầu tư chăm sóc cây trồng, tôi đã mạnh dạn vay lãi được 70 triệu đồng mua phân bón. Khi có nguồn thu từ cao su, gia đình tôi tiếp tục mua thêm đất mở rộng diện tích loại cây trồng này, để có thu nhập gối vụ đầu tư cho chăn nuôi. Nhờ sáng tạo trong công việc, biết đầu tư đúng lúc nên hiện gia đình bà Thanh Tơ đang sở hữu một mô hình kinh tế hiệu quả, với 3 trại nuôi heo, 9 trại nuôi gà, 12ha cao su, 1 ha mít thái. Dự tính sau khi trừ chi phí, mỗi năm hộ bà Thanh Tơ thu về hơn 550 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình kinh tế của bà còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 3-3,6 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng 20 người từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng, trong đó đặc biệt ưu tiên tuyển dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại địa bàn. “Từ một người đi làm công ăn lương, ăn nhờ ở tạm, bằng nghị lực vượt khó, vợ chồng bà Thanh Tơ đã gây dựng được sự nghiệp trên đất khách. Hiện bà Tơ còn được người dân tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm câu lạc bộ chăn nuôi của xã. Bên cạnh đó, bà Thanh Tơ còn được nhiều người biết đến bằng những việc làm từ thiện, như ủng hộ quỹ khuyến học, quà tết cho người nghèo, xây nhà tình thương tình nghĩa… với hơn 10 triệu đồng/năm. Bà Thanh Tơ là điển hình về vượt khó làm giàu để người dân trong xã noi theo, học tập” – ông Trịnh Công Sâm, Chủ tịch hội Nông dân xã Tân Quan khẳng định./.
Tác giả bài viết: Hải Châu - Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây