THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thứ sáu - 23/01/2015 04:32 2.213 0
Bình Phước là tỉnh miền núi nhưng có ưu thế về mặt nước nội địa với tổng diện tích mặt nước khoảng 28.300 ha, trong đó mặt nước sông suối kênh là 7.197 ha, đất có mặt nước chuyên dùng là 3.702 ha, có khoảng 60 công trình thủy lợi với diện tích khoảng 17.400 ha.
Năm 2014, diện tích nuôi trồng thủy sản (gồm nuôi ao nông hộ và nuôi cá hồ chứa nhỏ) là 1.960 ha trong đó diện tích nuôi ao nông hộ là 1.595 ha, diện tích nuôi cá hồ chứa nhỏ là 365 ha, tổng sản lượng nuôi đạt 4.730 tấn. Nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh được chia thành 03 loại hình nuôi chủ yếu, gồm: Nuôi ao chuyên và một ít nuôi ruộng lúa: Diện tích ao nuôi nông hộ đang từng bước bị thu hẹp, nguyên nhân chính là do những năm trước đây, lợi nhuận thu được từ cây cao su lớn hơn nhiều so với nuôi cá. Trong khi loại hình nuôi thủy sản nông hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, một số ao nuôi cạn nước vào mùa khô. Vì vậy, người dân đã lấp dần ao để chuyển sang trồng cao su. Đối tượng nuôi chủ yếu của loại hình nuôi này là các loài cá truyền thống: cá trắm cỏ, mè hoa, mè trắng, cá chép, cá rô phi... Nuôi cá mặt nước lớn trên các hồ chứa nhỏ: các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ được xây dựng phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt và là tiềm năng lớn để phát triển nuôi cá mặt nước lớn. Hình thức nuôi này chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong nước hồ, kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế miền núi. Tuy nhiên, đến nay diện tích nuôi cá mặt nước lớn chỉ đạt khoảng 365 ha. Nuôi lồng bè: Đây là loại hình nuôi thâm canh, mật độ nuôi cao, kinh phí đầu tư nhiều, đối tượng nuôi chủ yếu là những loài có giá trị kinh tế như cá lăng nha, cá lăng vàng, cá lóc, cá điêu hồng và cá thát lát cườm. Năm 2014 hình thức nuôi này có xu hướng tăng lên so với năm 2013, tổng số lồng nuôi thống kê được trong năm 2014 là 157 lồng đạt 101% so với cùng kỳ năm 2013. Nhìn chung, những năm gần đây, ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động nuôi ao nông hộ vẫn chưa tận dụng được điều kiện tự nhiên, chưa phát triển được ưu thế về nguồn nước khu vực hạ lưu hồ chứa mà vẫn đang còn nuôi nhỏ lẻ rải rác khắp trên địa bàn tỉnh, nguồn nước nuôi phụ thuộc vào nước trời là chính nên hoạt động nuôi ao chưa hình thành được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, thiếu đầu tư nên sản lượng thu được không cao. Mặt khác, do hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển thành chuỗi giá trị trong hoạt động sản xuất nên thị trường tiêu thụ không ổn định, người dân không mạnh dạn đầu tư nuôi trồng theo quy mô lớn. Từ cơ sở hiện trạng và nguyên nhân nói trên, với mục đích phát triển ngành thủy sản, nâng cao thu nhập cho người dân, định hướng giải pháp thực hiện về nuôi trồng thủy sản cho các năm tiếp theo như sau: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo quy mô nông hộ và nuôi cá rộng lúa dựa trên diện tích ao có sẵn và vùng ruộng lúa trũng có khả năng nuôi cá. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: cá rô phi, trắm cỏ, chép, mè vinh, mè trắng, mè hoa. Một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao được ưu tiên phát triển tăng dần ở các khu vực hạ lưu hồ chứa và những vùng có chất lượng nước tốt, ít ô nhiễm. Tiếp tục phát huy lợi thế nuôi cá mặt nước lớn trên các hồ chứa nhỏ nhằm tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên của hồ, tận dụng một số phụ phẩm trong chăn nuôi, trồng trọt như các loại cây xanh, phân chuồng và phụ phẩm của nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân Đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên các hồ chứa thủy điện, thủy lợi theo hướng an toàn. Đồng thời, lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá lăng nha, cá lóc, điêu hồng, bống tượng, thát lát. Hàng năm tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất con giống, thức ăn thủy sản. Đẩy mạnh liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân nhằm cung cấp đầy đủ thông tin thị trường về mặt giá cả, cung cầu, xu hướng tiêu thụ và những biến động thị trường để người dân có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm đúng thời điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Mặt khác, để người dân nắm được các văn bản, các phương pháp phòng ngừa dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản, các điều kiện vệ sinh thú y thuỷ sản và chuẩn đoán một số bệnh thường gặp trên các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ yếu của địa phương, hàng năm cần tăng cường công tác tập huấn an toàn dịch bệnh thuỷ sản và hướng dẫn nuôi trồng thủy sản an toàn theo hướng VietGAP, kiểm tra điều kiện nuôi thủy sản trong lồng, bè trên hồ chứa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro khi dịch bệnh xảy ra và tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội.
Tác giả bài viết: Lê Thị Loan- Phòng TS
Nguồn tin: Trung tâm dịch vụ NN tỉnh:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay6,918
  • Tháng hiện tại308,315
  • Tổng lượt truy cập6,085,737
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây