Triển khai chính sách, pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
Tuyết Nhung
2015-04-20T22:54:20-04:00
2015-04-20T22:54:20-04:00
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-dia-phuong/Trien-khai-chinh-sach-phap-luat-ve-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-trong-linh-vuc-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-877.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
http://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Thời gian qua, Ngành Nông nghiệp & PTNT đã triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn một cách kịp thời, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản trong tỉnh (GDP): giai đoạn 2001-2006 là 12,8%, giai đoạn 2007 đến nay là 7,9 %.
Về nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tăng cường xuất khẩu: - Thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu, giá cả nông sản, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, thực hiện các cơ chế chính sách tiêu thụ nông sản, hiệu quả, bảo đảm lợi ích cho nông dân, góp phần ổn định thị trường. Đặc biệt, đối với các mặt hàng là sản phẩm chủ lực của tỉnh và vật tư đầu vào cho sản xuất như: cao su, điều, tiêu, … - Thực hiện chính sách phát triển kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại; Phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam triển khai hiệu quả Chương trình thí điểm cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân; góp ý xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp. - Thực hiện triển khai đề án xúc tiến thương mại trong nông nghiệp & PTNT; phối hợp với các sở ngành và địa phương có liên quan, tham mưu UBND tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước, phổ biến kịp thời thông tin thị trường, giúp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho người nông dân, góp phần ổn định thị trường. Cụ thể, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng: đài phát thanh & truyền hình, website ngành và Bộ nông nghiệp & PTNT, thông tin giá cả và thị trường nông sản. - Thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp xuất, nhập khẩu. - Thực hiện rà soát, góp ý, điều chỉnh, tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành trên địa bàn tỉnh, nhất là các chính sách hỗ trợ tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong thời gian qua, thực hiện chính sách của UBND tỉnh về đối ngoại, khuyến khích đầu tư doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngành luôn tăng cường sự hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin về nông nghiệp với các nước quốc tế, đặc biệt nước bạn láng giềng Lào, Campuchia. Ngoài ra, Ngành nông nghiệp & PTNT đã kêu gọi được một số tổ chức nước ngoài hỗ trợ đầu tư vào phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: - Đầu tư của tổ chức ACDIVOCA (Mỹ) triển khai Dự án phát triển ca cao Success Alliance trong giai đoạn 2005-2007: vận động được 2.102 hộ nông dân tham gia dự án, thành lập được 52 câu lạc bộ cacao với 2.102 thành viên tham gia, đào tạo 45 tập huấn viên cacao. Đây là nền tảng ban đầu, là động lực cho ca cao Bình Phước phát triển. - Đầu tư của Tổ chức Roots of peace (Mỹ) triển khai Dự án Phát triển ca cao bền vững trong giai đoạn 2010-2012. Đã vận động được 840 hộ nông dân tham gia dự án; thành lập được 33 câu lạc bộ cacao với gần 1.000 thành viên tham gia (cả thành viên ngoài vùng dự án); đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho 12 cán bộ kỹ thuật và 33 chủ nhiệm câu lạc bộ cacao; tập huấn được 255 lớp chuyên sâu cho các thành viên trong câu lạc bộ ca cao. - Đầu tư của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) triển khai Dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững trong giai đoạn 2013-2014. Đến nay đã có 24 CLB trồng tiêu bền vững (540 nông hộ) được chứng nhận theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance). Dự án đã kết nối với các kênh tiêu thụ sản phẩm tiêu chứng nhận cho các CLB tham gia dự án với công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam để thu mua tiêu cho nông dân theo giá thị trường quốc tế với nhiều chế độ ưu đãi, cộng thưởng và ký gửi có lợi cho nông dân. - Đầu tư của tổ chức VVOB thuộc Vương quốc Bỉ: Triển khai Dự án Khuyến nông có sự tham gia với mục tiêu là cải thiện chất lượng hệ thống khuyến nông, đóng góp vào sự phát triển bền vững về nguồn nhân lực, giúp giảm nghèo ở Việt Nam và thực hiện khuyến nông dựa trên nhu cầu của nông dân. Trong 4 năm thực hiện (2009-2012) dự án đã đem lại kết quả: Thành lập 16 CLB hoạt động theo phương pháp PTD ( Phát triển kỹ thuật có sự tham gia) trên 8 huyện, thị, đào tào được đội ngũ cán bộ khuyến nông nòng cốt (TOT) có khả năng thực hiện công tác huấn luyện phương pháp PTD, đào tạo đội ngũ KNV năng động nhạy bén đáp ứng nhu cầu khuyến nông hiện nay; thiết lập được hệ thống tư vấn trao đổi thông tin về lĩnh vực nông nghiệp giữa CLB - Trạm Khuyến nông- Trung tâm Khuyến nông. Hỗ trợ được nhiều mô hình do CLB tự làm thử nghiệm theo phương pháp PTD. Cập nhật các thông tin khoa học kỹ thuật, mô hình hiệu quả cung cấp cho các CLB thông qua việc xuất bản bản tin hàng quý. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao; quá trình tích tụ ruộng đất gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp. Trong năm 2014, tỉ trọng ngành Trồng trọt tăng hơn năm 2013 là 1,64% trong nội bộ cơ cấu Nông Lâm Ngư nghiệp. Trong đó, cây cao su, điều tiêu… là cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh. Ngành đã tập trung phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sử dụng giống chất lượng cao; thực hiện biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dựng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, trong đó thực hiện Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 2194/QĐ-TTg, số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo quyết dịnh số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013; chính sách khuyến nông hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp. Góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện cơ chế chính sách, sử dụng hiệu quả đất lúa; thay đổi mùa vụ và hiệu quả sản xuất phù hợp với thực tiễn, đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; đẩy mạnh ứng dựng quy trình thâm canh trong sản xuất lúa. Cơ cấu cây trồng trên toàn tỉnh đã từng bước chuyển dịch phù hợp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp thế mạnh của tỉnh có diện tích lớn như: cao su, điều, tiêu, cây ăn quả... Đến hết năm 2014, cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh gồm: diện tích gieo trồng cây hàng năm là 40,935ha, cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả diện tích 401,883 ha. Cây cao su: Cao su được coi là cây truyền thống, gắn liền với lịch sử phát triển của tỉnh Bình Phước đến năm 2014, diện tích cao su toàn tỉnh là 231.996 ha), trong đó, cao su đại điền (gồm Nhà nước, công ty tư nhân và tổ chức khác) khoảng 97.931 ha chiếm 42%, còn lại là cao su tiểu điền (cá thể) khoảng 134.120 ha chiếm 58%. Năng suất cao su nhà nước cao hơn năng suất cao su tiểu điền (19,85/19,31 tạ/ha). -Về giá trị sản xuất: Cây cao su chiếm 52% GTSX cây lâu năm và 59% trong tổng GTSX cây trồng. Cây điều: Tính đến cuối 2014, diện tích điều Bình Phước đạt 134.211 ha, sản lượng điều đạt 123.279 tấn. - Về giá trị sản xuất: Cây Điều chiếm 30,2% trong GTSX cây lâu năm và chiếm 34,3 % trong GTSX cây trồng của tỉnh. Cây hồ tiêu: diện tích, năng suất và sản lượng hồ tiêu không ngừng đựơc đẩy mạnh và phát triển, năm 2014, diện tích hồ tiêu của tỉnh là 11.148ha, sản lượng 25.362 tấn. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được câu lạc bộ tại huyện Lộc Ninh, Bù Đốp theo tiêu chuẩn RA và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tiêu Lộc Ninh. - Về giá trị sản xuất: cây tiêu chiếm 2,4% GTSX cây lâu năm và chiếm 2,7% GTSX cây trồng của tỉnh. Về chuyển giao khoa học, công nghệ làm cơ sở tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp: Ngành đã thực hiện các dự án sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu giống chất lượng tốt chuyển giao cho nông dân, cụ thể: Đối với cây điều: xây dựng quy trình sản xuất điều an toàn với tổng diện tích là 300 ha. Trong đó, chú trọng chuyển giao kỹ thuật ghép cành cải tạo vườn điều. Đối với cây cao su: Các giống cao su mới năng suất, chất lượng cao, thích ứng rộng (như RRIV1, GT1, BP260 và đặc biệt là thời gian gần đây Viện nghiên cứu cao su đã nghiên cứu thành công một số dòng lai hoa như LH 90/952, LH 83/85... ) được nông dân trồng rộng rãi, kết hợp với việc áp dụng quy trình mới của Tập đoàn cao su Việt Nam đã rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản, tăng năng suất. Đồng thời, việc trồng nhiều giống khác nhau đã tạo cơ cấu giống hợp lý nhằm hạn chế lây lan và phát triển dịch bệnh trên cao su. Năng suất cao su bình quân của tỉnh đạt khá cao. Năm 2011, năng suất cao su đại điền là 19,52 tạ/ha, cao su tiểu điền là 18,02 tạ/ha; Năm 2014 năng suất cao su đại điền tăng lên là 19,60 tạ/ha, cao su tiểu điền đạt 19,20 ta./ha. Đối với nhóm cây ăn quả: Một số doanh nghiệp đã áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất như Công ty TNHH MTV Qúy Đông trồng sầu riêng, quýt, mít với diện tích là 20 ha tại xã Tân Hưng ,huyện Đồng Phú, một số cây ăn quả như nhãn, cam, quýt đang được người dân áp dụng kỹ thuật ra trái vụ nghịch cho thu nhập cao hơn nhiều so với chính vụ. Đối với nhóm rau, củ: Trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tuy nhiên quy mô không lớn, như mô hình sử dụng màng phủ sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích là 0,5ha; mô hình sản xuất thủy canh đối lưu với diện tích là 0,9ha; 5 mô hình sản xuất theo hướng VietGAP với diện tích là 14,5 ha, năng suất đạt > 10 tấn/ha và nhiều hộ dân thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn với diện tích là 170 ha. Ngành đã triển khai ứng dụng kỹ thuật tưới công nghệ cao, tiết kiệm cho các loại cây trồng cạn ở những nơi có nguồn nước tưới để tăng năng suất, chất lượng và tái vụ đối với một số loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. Về chăn nuôi: Chăn nuôi quy mô trang trại tập trung chiếm tỷ lệ khá cao (heo 78,18%, gà 66,9%). Trong đó, chăn nuôi công nghiệp hiện đại như chuồng lạnh chiếm tỷ lệ 10% đối với heo, 55% đối với gà. Ngành đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Về hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các vùng khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW tại Hội nghị lần 7 của BCHTW khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, ngành đã thực hiện đầu tư các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, ưu tiên cho các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, đối tượng hưởng lợi là người dân tộc thiểu số, như: Dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 – 2017; Dự án hỗ trợ phát triển đàn trâu cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007 – 2017; Phương án Hỗ trợ phát triển đàn trâu cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã NTM; Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao năng lực hỗ trợ phát triển sản xuất cho nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, công tác tập huấn tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, khoa học kỹ thuật về nông nghiệp nông thôn, giao thông nông thôn, phát triển thủy lợi, luôn được chú trọng, quan tâm trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Ngành đã thực hiện tốt chính sách về thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai, chương trình đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi (thiết bị viễn thông, viễn thám, công nghệ thiết bị tưới tiết kiệm, kênh mương đúc sẵn…). Hoàn thành các công trình đầu tư, công trình cấp bách, nâng cấp hệ thống đê, tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa; chống ngập tại công trình thủy lợi, phát triển hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, góp phần phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ổn định kinh tế - xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng./.
Tác giả bài viết: Tuyết Nhung
Nguồn tin: Chi cục Chăn nuôi và thú y: