Kết quả 01 năm thực hiện Dự án Trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều giai đoạn 2023-2025

Thứ hai - 15/07/2024 04:14 220 0
Những năm gần đây, xuất hiện những mô hình trồng xen canh dưới tán Điều các loại cây trồng, vật nuôi để gia tăng hiệu quả sản xuất. Các mô hình trồng xen canh Điều hiện nay gồm: trồng xen canh ca cao, hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái; Chăn nuôi gà, nuôi vịt khô dưới tán điều; tận dụng quỹ đất trống dưới tán điều để làm chuồng trại nuôi gia súc như trâu, bò, dê. Tuy nhiên, diện tích trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế do các đối tượng trồng xen canh chủ yếu cần nước tưới, chăn nuôi dưới tán yêu cầu vùng sản xuất phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn dịch bệnh.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh có khoảng 8.000ha điều được trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều, trong đó chủ yếu là cà phê, ca cao, cây ăn trái,gà, vịt,… Các địa phương phát triển xen canh nhiều tập trung tại huyện Phú Riềng, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú.
 Về Bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện Dự án.
Để dự án “Trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều” đi vào thực tiễn sản xuất, đạt hiệu quả cao thì việc hình thành và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện dự án, nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như vận dụng vào thực tế sản xuất để tăng năng suất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Trong 01 năm triển khai thực hiện Dự án, trên toàn tỉnh đã tổ chức được 170 lớp tập huấn kỹ thuật, tập trung chủ yếu tại huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú, Bình Long, Đồng Xoài, Bù Đốp. Nội dung tập huấn chủ yếu là hướng dẫn kỹ thuật trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều, kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cho cây điều, phổ biến kiến thức về cây điều đầu dòng cho bà con nông dân,….
Ngoài ra, trong năm 2023, Sở Nông nghiệp & PTNT đã hỗ trợ sinh hoạt định kỳ cho 07 tổ/nhóm sản xuất điều đa canh với chi phí là 500.000 đồng/ tháng/ tổ.
Năm 2024, tiếp tục hỗ trợ sinh hoạt định kỳ cho các tổ/ nhóm sản xuất điều đa canh, nội dung sinh hoạt chủ yếu tập trung vào kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cho cây điều, kỹ thuật trồng xen canh, chăn nuôi dưới tán điều,…
 Chuyển giao khoa học kỹ thuật.
- Về xây dựng mô hình: Để dự án được đưa vào ứng dụng rộng rãi trên toàn tỉnh, thì việc xây dựng mô hình điểm để tạo điểm thăm quan, học hỏi cho người dân là rất thiết thực, trong 01 năm triển khai dự án, trên toàn tỉnh đã thực hiện được 24 mô hình, trong đó, có 23 mô hình sản xuất và 01 mô hình liên kết, cụ thể:
+ Về mô hình sản xuất: Trong năm 2023, trên địa ban xã Tân Phước huyện Đồng Phú có 05 mô hình chăn nuôi gà, vịt với quy mô 3000 con/ hộ, trong đó, có 02 mô hình nuôi gà và 03 mô hình nuôi vịt, sau 05 tháng triển khai mô hình và qua hoạch toán chi tiết, sau khi đã trừ hết chi phí, cho thu nhập lãi ròng là 30.600.000 đồng/ lứa đối với gà, 48.000.000 đồng/ lứa đối với vịt. Ngoài ra, vụ điều 2023-2024 năng suất điều của các hộ kết hợp chăn nuôi dưới tán cũng đạt từ 1,7 – 2,0 tấn/ha, tăng từ 0,5-0,7 tấn/ha so với những vườn điều không chăn nuôi, bên cạnh đó, thì các lợi ích, giá trị đi kèm cho mỗi mô hình chăn nuôi dưới tán điều là giảm 5% lượng thức ăn, giảm chi phí phân bón hữu cơ cho vườn điều (khoảng 5.000.000 đồng), giảm công xịt thuốc cỏ 01 lần (400.000 đồng), giảm lượng thuốc cỏ (500.000 đồng), giảm lượng thuốc sâu (400.000 đồng). Ngoài 05 mô hình nêu trên thì trên địa huyện Đồng Phú còn 09 mô hình chăn nuôi gà, vịt dưới tán điều với quy mô từ 500 – 1000 con/ mô hình cũng cho hiệu quả kinh tế khá cao. Trên địa bàn huyện Phú Riềng có 02 mô hình chăn nuôi gà với quy mô 20.000 con/ mô hình, trong đó có hộ ông Hà Thanh Thuẫn ở xã Long Hà – Phú Riềng với quy mô là 20.000 con/ lứa, nuôi dưới tán điều với diện tích 15ha, đầu ra sản phẩm đã được các đơn vị liên kết bao tiêu ổn định.
Năm 2023, Sở Nông nghiệp & PTNT đã thực hiện 02 mô hình (01 mô hình gà, 01 mô hình vịt) chăn nuôi dưới tán điều tại xã Thanh Lương – TX. Bình Long với quy mô 500 con/hộ, theo hình thức nhà nước hỗ trợ 50%, nông dân đối ứng 50%. Sau 5 tháng triển khai và qua tính toán cụ thể, chi tiết thì mô hình chăn nuôi gà, vịt dưới tán điều cho thu nhập cao hơn so với chăn nuôi thuần 3.653.000 đ/ 500 con đối với gà và 3.499.000 đồng/ 500 con đối với vịt; huyện Bù Đăng thực hiện 06 mô hình chăn nuôi gà, vịt khô dưới tán điều, cụ thể: 01 mô hình nuôi gà tại xã Đức Liễu với quy mô 1400 con gà; 05 mô hình nuôi gà, vịt tại xã Phước Sơn với quy mô 2000 -3000con/ mô hình.
+ Mô hình liên kết: UBND huyện Bù Đăng đã thực hiện kết nối và hỗ trợ ký kết hợp đồng 01 mô hình liên kết giữa 05 hợp tác xã (01 HTX thu mua và 04 HTX sản xuất) thực hiện theo quy trình sản xuất đạt chuẩn hữu cơ với tổng diện tích là 60 ha, kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình là 3.256.000.000 đồng, trong đó, vốn đối ứng của dân là 1.680.000.000 đồng.
 Tăng cường các hoạt động thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
- Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại: Sở Công Thương phối hợp với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và kết nối đầu tư giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Tại Hội nghị đã đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa 09 hệ thống phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh với 33 doanh nghiệp tại các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.
- Triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử: Vận hành Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước, đến nay, đã hỗ trợ được 91 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 375 sản phẩm tham gia chào bán sản phẩm trên Sàn. Đa số thành viên tham gia là doanh nghiệp sản xuất, kinh            doanh sản phẩm hạt điều và các sản phẩm khác như: Tiêu, cà phê, tổ yến, trái cây, sản phẩm chế biến từ gỗ cao su, sản phẩm thủ công mỹ nghệ,…. Hoạt động của Sàn giao dịch nông sản tỉnh đã tạo lập một không gian để kết nối online các doanh nghiệp, giữa người mua và người bán; bước đầu đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm tham gia, đưa sản phẩm lên Sàn, trao đổi thông tin  về sản phẩm, giá cả, tình hình thị trường, nhu cầu cung ứng,…
- Cung cấp thông tin về các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước, giới thiệu hàng hóa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ như mời tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế năm 2023; mời tham dự chương trình đoàn giao dịch thương mại tại úc, tham gia đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Qatar và Ethiopia,…
- Thường xuyên thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động đối phó các khó khăn hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các   cửa khẩu biên giới phía Bắc; thông tin về định hướng thị trường xuất khẩu, các rào cản thương mại về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của các nước thành viên WTO có thể ảnh hưởng; cập nhật danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất   xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
 Đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu thực nghiệm.
Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện đề tài “ Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất thực nghiệm các sản phẩm có giá trị gia tăng từ thịt quả điều tại tỉnh Bình Phước” và đề tài “ Nghiên cứu tách chiết và thu nhận cao chiết giàu dẫn xuất Catechin có hoạt tính sinh học của cao từ vỏ lụa hạt điều, phế phẩm tại Bình Phước ứng dụng tạo sản phẩm chức năng” với mục đích là góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ thịt quả và vỏ hạt điều, nhằm thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Ứng dụng chỉ thị phân tử để đánh giá các dòng điều triển vọng tại Bình Phước. Kết quả sẽ tuyển chọn được những dòng điều có ưu thế, cho năng suất cao. Triển khai dự án cấp bộ: Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai hướng thịt (Boer lai bách thảo) trên địa bàn tỉnh. Dự án đã triển khai các mô hình chăn nuôi dê dưới tán một số loài cây, trong đó có cây điều, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cho các hộ tham gia dự án.
Tác giả bài viết: Võ Lan Hương
Nguồn tin: Chi cục TT và Bảo vệ thực vật

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Sàn nông sản
Cổng dịch vu công QG
1022
Cổng thông tin điện tử Bình Phước
Thăm dò ý kiến

Lợi ích của phần mềm nguồn mở là gì?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập176
  • Hôm nay6,718
  • Tháng hiện tại189,765
  • Tổng lượt truy cập6,972,736
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây