1. Chuẩn bị trước khi vận chuyển cá giống
1.1 Chọn cá giống trước khi vận chuyển
Đây là khâu có tính quyết định hàng đầu nhằm đảm bảo tỷ lệ sống của cá khi vận chuyển. Để chọn được nguồn cá giống có chất lượng tốt, ngoài việc chọn mua cá giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín thì khi mua cá giống vẫn phải chọn những con giống khỏe mạnh, có kích cỡ đồng đều, bơi lội nhanh nhẹn, cơ thể cá không bị xây sát, đảm bảo nguồn cá giống không bị nhiễm bệnh.
1.2 Chọn thời điểm thích hợp khi vận chuyển
Thông thường cá giống được vận chuyển lúc thời tiết mát như buổi sáng, chiều mát hoặc ban đêm. Mục đích của quá trình này nhằm ổn định nhiệt độ nước, hạn chế tối đa quá trình hoạt động của cá, giảm quá trình hô hấp và trao đổi chất của cá. Vì vậy sẽ giảm được quá trình tiêu hao lượng ôxy hòa tan trong nước khi vận chuyển. Do đó sẽ làm tăng mật độ và khoảng cách khi vận chuyển.
Trong quá trình vận chuyển cá giống, tỷ lệ sống và mức độ an toàn của cá phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật vận chuyển. Trong đó các yếu tố như dụng cụ đựng cá, phương tiện vận chuyển, nhiệt độ thời tiết, lượng oxy hòa tan trong nước, khí độc trong mưa, thời gian vận chuyển…đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cá. Áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật sẽ giúp nâng cao tỷ lệ sống cho cá.
Trước khi vận chuyển phải ngưng cho cá ăn tối thiểu 24 giờ trước khi vận chuyển, đồng thời nên tắm cho cá bằng thuốc tím 0,15ppm (từ 5-10 phút) hoặc tắm bằng dung dịch Furacin 0,05% (từ 3-5 phút).
Tất cả các khâu từ lúc kéo lưới, cân, đếm, chuyển cá giữa các ao, phân loại cá phải thật nhẹ nhàng, nhanh chóng tránh làm xây sát cá. Các công việc này nên làm vào buổi sáng hoặc chiều mát.
2. Các bước cần thực hiện trong quá trình vận chuyển cá giống
Thông thường có 2 phương pháp vận chuyển cá giống, đó là vận chuyển kín và vận chuyển hở. Tùy theo từng loại cá, kích cỡ cá, phương tiện vận chuyển mà ta chọn phương pháp vận chuyển cho phù hợp nhằm giảm tỷ lệ chết của cá, được thực hiện như sau:
2.1 Phương pháp vận chuyển kín
Đây là phương pháp vận chuyển mà cả cá và nước không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết các loài cá giống. Phương tiện vận chuyển thường là xe máy hoặc ô tô… Dụng cụ vận chuyển là các túi ni-lông có bơm khí ôxy, cho vào khoảng 8 - 10 lít nước, nước được làm lạnh ở nhiệt độ 22-250C. Nếu vận chuyển trong thời gian trên 8 tiếng thì nên cho lượng nước chiếm 2/3 túi. Vuốt hết không khí trong túi ra, bơm oxy vào, sau đó cho cá vào, tiếp tục bơm oxy vào đến khi căng túi, buộc túi lại. Cho túi cá vào thùng xốp, đặt các bao đá xung quanh để làm mát cá. Dán kín thùng xốp bằng băng keo rồi đưa lên phương tiện vận chuyển. Nên vận chuyển cá trên phương tiện có máy điều hòa nhiệt độ.
Mật độ cá trong túi: Mật độ cá trong túi nilon tùy thuộc vào kích cỡ của cá. Cá cỡ 2,5cm, đóng từ 100-150con/lít nước; cá cỡ 5cm, đóng từ 30-50con/lít; cá 7cm, đóng từ 10-15con/lít.
2.2 Phương pháp vận chuyển hở
Là phương pháp vận chuyển mà cả cá và nước tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí bên ngoài. Phương pháp này chỉ nên áp dụng cho quãng đường vận chuyển ngắn (dưới 20 km) với lượng cá giống ít và chủ yếu để vận chuyển cá bố mẹ. Dụng cụ vận chuyển thường là xô, chậu, sọt có lót nilon và có trang bị hệ thống sục khí.
*Lưu ý: Trước khi thả cá giống xuống ao cần ngâm túi cá xuống dưới nước ao khoảng 15 – 20 phút để cá không bị sốc do chênh lệch nhiệt độ giữa nước ao và nước trong túi cá khi vận chuyển. Sau đó mở miệng bao cho nước ngoài ao chảy vào túi rồi từ từ cho cá bơi ra ngoài ao. Thời gian nên thả cá lúc trời mát vào buổi sáng từ 6 – 8 giờ, buổi chiều từ 16 – 18 giờ.