Chủ động điều tiết, trữ nước phòng chống hạn hán.
Nắng nóng kéo dài từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, nắng nóng tiếp tục xảy ra trên diện rộng, nguồn nước ở các hồ chứa thủy lợi, ao, sông, suối khắp nơi trong tỉnh bị suy giảm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng thiếu nước tưới đã khiến các loại cây trồng như bưởi, sầu riêng, cà phê bị khô bông, rụng trái. Tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài và được cảnh báo hạn nông nghiệp ở mức độ 3 - 4 và cấp độ thiên tai từ cấp 1 - 2.
Tỉnh Bình Phước có địa thế cao khó tích trữ nước, trong khi nắng hạn lên tới 35 - 37°C khiến tỷ lệ nước bốc hơi càng cao, khiến nguồn nước ngày càng suy giảm. Nguồn trữ nước tại các hồ chứa đều xuống thấp, mực nước tại các giếng đào, giếng khoan của một số hộ dân đang cạn dần, nguồn nước dự trữ ở các hồ nhỏ, bàu nước của Nhân dân đã cạn kiệt gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân trong tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực để chủ động điều tiết, trữ nước thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, kinh tế trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình thời tiết để triển khai kịp thời các phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước, lương thực phục vụ dân sinh, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh; chủ động huy động mọi nguồn lực để phục vụ công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả. Bố trí lịch thời vụ phù hợp với dự báo tình hình nguồn nước; khuyến cáo người dân tính toán sản xuất phù hợp (có phương án dự trữ nước tưới) ở những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới để tránh bị thiệt hại.
Các huyện, thị xã, thành phố xác định các khu vực hạn hán, thiếu nước làm cơ sở để đưa ra phương án ứng phó kịp thời, hợp lý. Sử dụng các kết quả bản đồ đánh giá rủi ro thiên tai để xác định các vị trí có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước. Tăng cường công tác dự báo, tăng độ chính xác của bản tin dự báo; sử dụng các công nghệ tiên tiến cảnh báo sớm. Công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo sớm đến người dân các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước. Tiến hành quy hoạch sử dụng đất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với diễn biến của hạn hán. Tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Khi xảy ra hạn hán trên diện rộng.
Thực hiện quyết liệt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng thường xuyên bị hạn, lựa chọn các loại cây trồng cạn ngắn ngày có khả năng chịu hạn, sử dụng ít nước để gieo trồng trên đất lúa (như: đậu đỗ, ngô, mỳ...) và dừng gieo trồng ở một số khu vực không đảm bảo về nguồn nước tưới để tránh thiệt hại. Vận hành hợp lý, tiết kiệm nguồn nước ở các công trình thủy lợi, các hồ chứa nước thủy điện, các công trình cấp nước. Tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, thiết lập các trạm bơm dã chiến, bơm chuyền, đào ao, giếng nông để lấy nước tưới cho cây trồng; sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm như: tưới phun mưa, tưới luân phiên..., ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt của người dân, sau đó đến chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, sản xuất công nghiệp, sản xuất điện. Đối với cây trồng, ưu tiên tưới nước cho cây trồng có giá trị kinh tế cao, cây công nghiệp dài ngày, cây trồng đang bước vào thời kỳ ra hoa kết trái. Dừng gieo trồng ở các vùng không đảm bảo nước tưới để tránh thiệt hại; đồng thời mở rộng sản xuất ở những vùng đảm bảo nước tưới để đạt được kế hoạch đề ra.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thiếu nước uống, nước sinh hoạt, thiếu đói, bệnh tật do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh và triển khai các biện pháp tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân. Hướng dẫn người dân khắc phục tình trạng thiếu nước các giếng đào, giếng khoan của hộ gia đình để đảm bảo cấp nước sinh hoạt. Những vùng thiếu nước sinh hoạt gay gắt, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để tổ chức vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến phục vụ cấp nước hỗ trợ cho Nhân dân, không để Nhân dân thiếu nước uống, sinh hoạt. Tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không sử dụng nước đục, bẩn để uống, sinh hoạt, tránh nguy cơ dịch bệnh do sử dụng nước uống không hợp vệ sinh gây ra. Tổ chức điều tiết, vận hành hồ chứa phù hợp với từng tình huống cụ thể./.