CHĂN NUÔI HEO THEO CHUỖI GIÁ TRỊ -HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG
Lê Thị Thúy Hồng
2017-12-18T03:39:14-05:00
2017-12-18T03:39:14-05:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-dia-phuong/CHAN-NUOI-HEO-THEO-CHUOI-GIA-TRI-HUONG-DI-BEN-VUNG-1612.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Tình hình chăn nuôi heo cả nước gặp nhiều khó khăn do giá cả thịt heo vẫn ở mức thấp, người chăn nuôi chưa đủ để hòa vốn. Trong khi đó, các chi phí chăn nuôi không giảm khiến người chăn nuôi heo càng thêm khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ bỏ trống chuồng, các gia trại, trang trại vẫn tiếp tục nuôi nhưng đều có xu hướng giảm quy mô đàn.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi tại Hội nghị giao ban thảo luận các giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tháng 5/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh, một số tồn tại của ngành chăn nuôi hiện nay là việc tổ chức sản xuất còn nhiều yếu kém, thiếu liên kết, chưa chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm; năng suất chăn nuôi còn thấp so với khu vực và thế giới, chất lượng giống và sản phẩm chăn nuôi không đồng đều; dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập và đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong chăn nuôi còn chưa theo kịp thế giới. Để ổn định và phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, nhiều giải pháp ngành chăn nuôi đặt ra, trong đó có giải pháp tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín, tập trung từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung, cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Đây là giải pháp quan trọng để giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành, hạn chế nguy cơ dịch bệnh đồng thời chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm kết hợp kiểm soát khâu trung gian nhằm tăng giá mua cho người chăn nuôi và giảm giá bán cho người tiêu dùng. Đối với chăn nuôi nông hộ cần xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội và liên kết với doanh nghiệp để có sự hỗ trợ lẫn nhau trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi, hỗ trợ vay vốn, ký kết hợp đồng tiêu thụ để chủ động trong sản xuất. Trong thời gian vừa qua, ngành chăn nuôi tỉnh ta ít bị tác động hơn là do chủ yếu sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết như chuỗi chăn nuôi gia công, Công ty chăn nuôi cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm chăn nuôi gia công; chuỗi liên kết từ sản xuất chăn nuôi đến giết mổ và cung cấp tại các chợ trong tỉnh; chuỗi liên kết giữa các công ty chăn nuôi, sản xuất giống, thức ăn và giết mổ, tiêu thụ ra ngoài tỉnh; chuỗi liên kết CP, từ sản xuất chăn nuôi gia công, liên kết các cơ sở giết mổ trong tỉnh và những cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật chuyên kinh doanh những mặt hàng CP; chuỗi liên kết theo Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của thành phố HCM…Hiện nay đã và đang hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ sản xuất ban đầu đến giết mổ và tiêu thụ tại thị xã Bình Long, Lộc Ninh, Hớn Quản. Đối với chăn nuôi nông hộ đã xây dựng các Hợp tác xã, Câu lạc bộ, Tổ hợp tác chăn nuôi heo để tăng nguồn lực đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm… và đã hình thành một số chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ trong tỉnh, một số ít tiêu thụ ngoài tỉnh. Tuy nhiên, chuỗi liên kết còn những tồn tại, hạn chế như nhiều tác nhân tham gia chuỗi cung ứng, nhiều tầng nấc trung gian, chưa đến sản phẩm cuối cùng; liên kết lỏng lẻo, phần thua thiệt thường vẫn thuộc về người nông dân; giá thành sản xuất sản phẩm chưa cạnh tranh; chưa đảm bảo truy xuất nguồn gốc; chưa có giải pháp gắn kết và xử lý tranh chấp các tác nhân trong chuỗi. Để phát triển chăn nuôi bền vững, cần khắc phục các tồn tại, hạn chế trên; tăng tính dự báo, tăng chủ động; đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển chế biến và thị trường xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời doanh nghiệp tiếp cận chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư các dự án: chuỗi chế biến thức ăn gia súc kết hợp chăn nuôi gia súc tập trung, chuỗi giết mổ gia súc kết hợp chế biến thực phẩm, chuỗi chế biến thức ăn gia súc kết hợp chăn nuôi, giết mổ và chế biến thực phẩm đã được thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh tại Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND ngày 19/7/2017. Cục Chăn nuôi đã nhận định trong Hội thảo “Đổi mới quản lý chuỗi thịt heo theo định hướng quốc tế” ngày 22/8/2017 tại thành phố Hồ Chí Minh là “Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng cho phát triển chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam” và “Liên kết theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu của thế giới, đổi mới và phát triển hay không phụ thuộc vào quyết tâm của chúng ta”, cho thấy phát triển chăn nuôi bền vững, người chăn nuôi cần tổ chức sản xuất chăn nuôi theo chuỗi giá trị./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thúy Hồng
Nguồn tin: Hạt Kiểm lâm liên huyện, thị xã Bù Gia Mập – Phước Long