PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN

Thứ năm - 26/10/2017 22:42 598 0
Bệnh dịch tả lợn là bệnh truyền nhiễm của loài lợn, có tốc độ lây lan rất nhanh, tỷ lệ chết đến 90% và thường ghép với bệnh khác như bệnh Phó thương hàn, Tụ huyết trùng…Bệnh xảy ra quanh năm, phát bệnh nhiều hơn ở thời điểm giao mùa.
Bệnh Dịch tả lợn là bệnh truyền nhiễm của loài lợn, gây ra bởi một loại vi rút có cấu trúc ARN thuộc giống Pestis vi rút, họ Flaviridae. Bệnh chỉ xảy ra ở loài lợn (kể cả lợn nhà và lợn rừng) với các thể cấp tính, á cấp tính, mạn tính hoặc dạng không điển hình. Mức độ trầm trọng của bệnh tùy thuộc vào độc lực của vi rút, tuổi của động vật mẫn cảm và thời gian nhiễm bệnh. Lợn trưởng thành thường bị bệnh ít trầm trọng hơn và cũng có nhiều cơ hội phục hồi hơn so với lợn con. Bệnh Dịch tả lợn có tốc độ lây lan rất nhanh và tỷ lệ chết đến 90% và thường ghép với bệnh khác như bệnh Phó thương hàn, Tụ huyết trùng,… Bệnh Dịch tả lợn xảy ra ở mọi lứa tuổi. Triệu chứng lâm sàng Thời gian nung bệnh từ 3-7 ngày và bệnh có thể xuất hiện ở một trong 3 thể: a) Thể quá cấp tính (còn gọi là bệnh Dịch tả lợn trắng): Bệnh xuất hiện đột ngột, không có triệu chứng ban đầu, lợn ủ rũ, bỏ ăn, sốt cao trên 410C, chết nhanh trong vòng 24-48 giờ, tỷ lệ chết có thể lên tới 100%. b) Thể cấp tính: Lợn ủ rũ, biếng ăn hoặc bỏ ăn, sốt cao kéo dài đến lúc gần chết, mắt viêm đỏ có dử, chảy nước mũi, miệng có loét phủ bựa vàng ở lợi, chân răng, hầu; lợn nôn mửa, thở khó, nhịp thở rối loạn. Lúc đầu táo bón sau đó tiêu chảy, phân có mùi thối khắm và có thể lẫn máu tươi. Trên da có nhiều điểm xuất huyết lấm tấm ở tai, mõm, bụng và 04 chân. Vào cuối kỳ bệnh, lợn bị bại 2 chân sau, đi loạng choạng hoặc không đi được. Nếu ghép với các bệnh khác thì có triệu chứng trầm trọng hơn; c) Thể mạn tính: Lợn tiêu chảy, gầy yếu, chết do kiệt sức; lợn khỏi bệnh có thể mang trùng vi rút. Trường hợp bệnh ghép với các bệnh truyền nhiễm khác thì triệu chứng có thể thay đổi. Phòng bệnh Để chủ động phòng bệnh dịch tả lợn, khi mua con giống phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch và đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trước khi nhập đàn, lợn phải được nuôi cách ly ít nhất 07 ngày để theo dõi lâm sàng cho đến khi chắc chắn lợn không có bệnh mới được nhập chung với đàn lợn cũ đang có; định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi, chuồng trại và hàng ngày cọ rửa, vệ sinh máng ăn, máng uống; chăm sóc nuôi dưỡng tốt; sau khi xuất bán lợn, phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, dụng cụ chăn nuôi và để trống chuồng ít nhất 7 ngày trước khi đưa lợn mới đến. Trường hợp trại bị dịch, phải để trống chuồng ít nhất 21 ngày. Phòng bệnh bằng vaccin: Các cơ sở chăn nuôi thực hiện tiêm phòng vaccine dịch tả lợn, trừ các cơ sở đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và được cơ quan thú y tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm và có kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn thì không phải tiêm phòng. Hiện nay Chi cục đang triển khai tiêm phòng đợt 2/2017 từ ngày 20/10/2017 đến 15/11/2017, đề nghị người chăn nuôi hưởng ứng tích cực đợt tiêm phòng này để bảo vệ đàn vật nuôi của mình và góp phần trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Các biện pháp chống dịch tả lợn Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, người chăn nuôi phải thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi của mình, khi phát hiện lợn có triệu chứng của bệnh dịch tả, phải nhanh chóng cách ly ngay lợn mắc bệnh ra khu vực riêng, không được bán chạy, không được vứt lợn chết bừa bãi ra môi trường, không được giết mổ và khai báo ngay với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp xử lý theo quy định./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thúy Hồng
Nguồn tin: tnmt.danang.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây