Phòng bệnh dại trong mùa hè
Lê Thị Thúy Hồng
2016-06-19T22:21:10-04:00
2016-06-19T22:21:10-04:00
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/vi/news/tin-dia-phuong/Phong-benh-dai-trong-mua-he-1233.html
/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH BÌNH PHƯỚC
https://snnptnt.binhphuoc.gov.vn/uploads/logo-so-nong-nghiep-phat-trien-nong-thon-binh-phuoc.png
Ở nước ta, chó nhà nuôi là nguồn truyền bệnh dại cho người nhiều nhất (khoảng 95-97%), tiếp đến là mèo. Bệnh dại xảy ra ở tất cả các tháng trong năm nhưng thường cao hơn vào mùa hè do thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho virut dại phát triển, những con chó bị bệnh dại sẽ hoạt động nhiều hơn nên khả năng lây lan bệnh dại sang đàn chó là rất lớn.
Mặt khác thời điểm mùa hè, trẻ em được nghỉ hè nên các hoạt động vui chơi giải trí tại cộng đồng diễn ra nhiều hơn nên nguy cơ bị động vật cắn cao hơn. Để hạn chế được tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh dại, người dân cần phải có kiến thức về phòng bệnh dại, bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng. Để phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo chủ vật nuôi quản lý tốt đàn chó nuôi của mình, chó phải được nuôi nhốt trong nhà, khi đưa chó ra nơi công cộng phải có dây dẫn, rọ mõm và có người dẫn dắt theo quy định; Thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo do Chi cục Chăn nuôi – Thú y tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 3-4 và 9-10, nếu chó mới đẻ hoặc chưa được tiêm phòng bệnh Dại phải báo cho cơ quan thú y gần nhất để được tiêm phòng Dại bổ sung và lưu giữ Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại theo quy định; Khi chủ vật nuôi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác hoặc có triệu chứng nghi bệnh Dại thì phải nhốt ngay chó, mèo đó và con vật đã bị cắn, cào để theo dõi, đồng thời báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương trong thời gian nhanh nhất và chấp hành mọi hướng dẫn, xử lý của cơ quan thú y; Con vật trong thời gian theo dõi không được mang đi nơi khác, không được đưa đi tiêm phòng Dại cho đến khi có ý kiến của cơ quan chức năng. /uploads/news/2016_06/new-picture-31.png Trạm Chăn nuôi – Thú y thị xã Đồng Xoài tổ chức tiêm phòng bệnh dại trên chó, mèo tại hộ gia đình Đối với người, khi bị chó, mèo cắn, cào thì phải rửa sạch vết thương ngay bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, sau đó bôi cồn hoặc iốt vào vết cắn, cào… (Chú ý khi rửa vết thương không được làm dập nát vết thương). Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virút dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nhanh chóng đến ngay cơ quan y tế gần nhất để được khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp, tuyệt đối không đi "lấy nọc" hoặc chữa bằng thuốc nam. Chó, mèo là những vật nuôi thân thiết với con người và chúng được xem là thú cưng của không ít gia đình. Tuy nhiên, chúng có thể là hiễm họa bất ngờ nếu chúng ta quản lý chó, mèo nuôi không đúng quy định và khi bị chó, mèo cắn, cào không được tiêm phòng kịp thời và đúng cách nạn nhân sẽ lên cơn dại dẫn đến tử vong. Vì thế, ý thức phòng tránh bệnh của mọi người dân là rất quan trọng trong công tác phòng, chống bệnh dại, đặc biệt trong mùa hè hiện nay./.
Tác giả bài viết: Lê Thị Thúy Hồng
Nguồn tin: tnmt.danang.gov.vn