Rừng Bình Phước qua các thời kỳ

Chủ nhật - 08/11/2015 21:20 3.003 0
Vị trí địa lý tỉnh Bình Phước thuộc vùng chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng và thuộc sườn tây Nam của dãy Trường Sơn, có điều kiện địa hình, địa mạo và thủy văn đa dạng. Về mặt sinh thái thuộc vùng sinh thái Nam Trường sơn và vùng sinh thái rừng khô trung tâm Đông Dương, do đó thảm thực vật có các đặc trưng cơ bản của hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới gió mùa, có lượng mưa lớn và phân mùa rõ rệt, ánh sáng dồi dào, độ ẩm không khí cao và chế độ thủy văn khá thuận lợi. Phần lớn diện tích đất thuộc nhóm đất đỏ vàng trên nền đá bazan, giàu dinh dưỡng, thích hợp cho nhiều loại động thực vật sinh sôi và phát triển, hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển nhiều hệ sinh thái đặc sắc cũng như số lượng loài thực vật, động vật hết sức phong phú và đa dạng.
Qua các thời kỳ, rừng Bình Phước theo tài liệu cổ và Địa chí Bình Phước, vùng đất Đồng Nai xưa (bao gồm cả Bình Dương và Bình Phước ngày nay) là một vùng hoang vu, phần lớn đất đai được bao phủ bởi rừng rậm với những cây cổ thụ to lớn với nhiều loại thú dữ, khí hậu ẩm thấp. Cho đến những năm đầu thế kỷ XX, trước khi thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa, Bình Phước vẫn chủ yếu là vùng rừng núi bạt ngàn, hoang sơ và sau khi trồng thử nghiệm thành công cây cao su, giới tư bản Pháp đổ xo vào Đông dương thành lập các đồn điền cao su ở Xa trạch, Hớn Quản, Xa Cam, Phú Riềng… sự khai thác gỗ quí, lâm sản khác của thực dân Pháp và với sự khai khẩn đất làm nương rẫy của đồng bào di cư từ nơi khác đến, hang ngàn hecta rừng tư nhiên đã bị thu hẹp. Mặc dù rừng bị tàn phá nhiều, cá quần thể rừng bị suy giảm, nhưng theo các tài liệu được ghi lại thì rừng tự nhiên Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước vào thời điểm năm 1943 vẫn có độ che phủ khoảng 60-70%, tài nguyên rừng vẫn còn nhiều, hầu hết là rừng giàu trữ lượng, có gỗ lớn, gỗ quí và nhiều lâm sản có giá trị khác. Tiếp đến giai đoạn 1954-1975, trong thời kỳ diễn ra hai cuộc kháng chiến, rừng Bình Phước bị tàn phá do chính sách hủy diệt tàn bạo của địch như ủi phá lập vành đai trắng, ném bom rải thảm, bom cháy, chặt phá rừng và khai thác gỗ bừa bãi…đặc biệt với nhiều đợt phun hóa chất khai hoang bằng máy bay vào những năm 1966-1970 đã phá hủy một số lớn diện tích rừng, để lại hậu quả nặng nề, làm cho việc phục hồi rừng gặp nhiều khó khăn. Dấu tích của chất độc hóa học còn hiện rõ cho đến hôm nay ở một số dải rừng thuộc các huyện Đồng Phú, Bù Đăng, Phước Long, Bù Gia Mập…ở những nơi này rừng và đất rừng bị hủy diệt, hiện nay chủ yếu chỉ có cỏ tranh, cỏ mỹ … là bằng chứng của một thời chiến tranh ác liệt. Trong những năm sau giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện chính sách di dân, xây dựng kinh tế mới của nhà nước, nhiều vùng núi rừng rộng lớn được quy hoạch, có thể nói gần như được khai thác trắng, lập nên các làng xã ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Kèm theo đó là một diện tích lớn đất rừng được phép khai thác để trồng cây lương thực, cây công nghiệp và lấy gỗ làm nhà…ngoài ra còn việc mở rộng các công ty cao su (Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Bình Long) và thành lập các công ty cao su mới thuộc tỉnh; việc xây dựng các nhà máy thủy điện, các hồ thủy điện lớn nhỏ… cũng làm thu hẹp diện tích rừng rất lớn (riêng nhà máy thủy điện Thác Mơ xây dựng năm 1995 chiếm diện tích mặt hồ trên 11.000 ha). Và trong 10 năm trở lại đây, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh suy giám đáng kể. Năm 2002, toàn tỉnh có 127.863 ha rừng tự nhiên (chiếm trên 18% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh) thì đến năm 2012, diện tích rừng tự nhiên giảm còn 62.805 ha. Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giảm mạnh trong giai đoạn từ 2008-2011, cây cao su được công nhận là cây đa mục đích và đây cũng là giai đoạn Chính phủ cho phép chuyển đổi các diện tích rừng nghèo kiệt sang phát triển cây cao su cũng làm diện tích rừng tự nhiên suy giảm đáng kể (trong 4 năm nói trên, tổng diện tích rừng đã chuyển đổi khoảng 43.000 ha). Rừng Bình Phước qua các thời kỳ, do chiến tranh, do sự phát triển kinh tế xã hội, sự phát triển dân số, vấn đề di dân…nên đến nay, theo kết quả theo dõi diễn biến tài nguyên rừng thì rừng Bình Phước chỉ còn 58.879 ha rừng tự nhiên. Với sự suy giảm về diện tích rừng tự nhiên dẫn đến sự suy giảm về giá trị tài nguyên đa dạng sinh học là tất yếu. Hệ quả là một số lượng lớn các cá thể và cả một số loài động, thực vật mất đi. Mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, có sự suy giảm lớn về số lượng cũng như trữ lượng tài nguyên động thực vật, nhưng các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, diện tích rừng tự nhiên Bình Phước vẫn thuộc loại lớn tại khu vực Đông Nam bộ, hiện vẫn còn trên 31.000 ha diện tích quy hoạch rừng đặc dụng quản lý nghiêm ngặt, có Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với diện tích trên 26.000 ha có sự đa dạng sinh học rất cao. Ngoài ra, các khu rừng đặc dụng khác như một phần thuộc vườn Quốc gia Cát Tiên, rừng đặc dụng Nú Bà Rá và gần 40.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng sản xuất nhưng có trữ lượng cao chứa đựng cá nguồn gen phong phú về số lượng, thành phần loài động, thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt nam và các loài bị đe dọa trên thế giới. Về mặt hệ sinh thái, hệ thống tùy văn đa dạng với 4 lưu vực song là sông Bé, song Sài gòn và sông Măng…đã hình thành nên những khu đất ngập nước cả tự nhiên và nhân tạo với nhiều loài đặc sắc, khu sinh vật thủy sinh đa dạng. Các hệ sinh thái trên cạn tiêu biểu của tỉnh gồm có kiểu rừng thường xanh trên núi thấp, rừng thường xanh trên đất thấp và đặc biệt có kiểu rừng khô trung tâm Đông Dương là những khu vực quan trọng trong chiến lược bảo tồn và phát triển đa dang sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của cả nước nói chung, khu vực Đông Nam bộ rói riêng./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Minh Chiến- QCCT Chi cục Lâm nghiệp
Nguồn tin: nguoichannuoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây